Đã vào đầu mùa mưa lũ, nỗi lo về giao thông và bị cô lập khi nước lũ lên cao đang đè nặng cuộc sống của người dân nơi đây.
Cầu treo Nà Làng được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2007. Sau một năm sử dụng, cơn bão số 6 năm 2008 đã làm cây cầu bị hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi đi trên cầu. Chỉ cần một chiếc xe máy hay một người đi bộ trên cầu là cầu lại rung, lắc, dập dềnh đung đưa như chiếc võng.
Các thanh dầm dọc, ngang và mặt cầu làm bằng gỗ phần lớn bị long, bị mục nát. Nhiều ốc vít, dây chằng, dây buộc và lan can bằng sắt, thép đã bị hoen gỉ, bong tróc không đảm bảo độ chắc chắn. Cây cầu đã trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh của nhiều người dân khi có việc phải đi qua khi nước lũ lên cao.
Chứng kiến cảnh ông Tô Văn Tào – thôn Nà Làng, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu bất chấp nước lũ lội dòng để gánh rau đi chợ trung tâm bán, chúng tôi mới thấm thía hết được sự vất vả, khổ cực của người nông dân khi làm ra sản phẩm đã khó, để mang sản phẩm đi bán càng khó trăm bề.
Ông Tào cho biết: “Từ khi cầu treo không thể đi lại được, tất cả hơn 80 hộ dân và học sinh ở Nà Làng chịu ảnh hưởng theo. Chúng tôi làm ra được nắm rau, kiếm được bó củi lại phải lội qua suối để bán kiếm miếng ăn, gánh được củi sang phố mới bán được, mới có tiền để mua mắm muối. Chúng tôi mong Đảng, Nhà nước sớm làm lại cầu treo để cho con em chúng tôi đi lại thuận tiện hơn, chứ cứ như tình hình này khổ cực lắm”.
Chung niềm mong mỏi của ông Tào, ông Hoàng Sinh ở thôn Nà Làng tâm sự: “Gia đình tôi nuôi trên 100 con vịt siêu trứng nên ngày nào tôi cũng phải mang trứng đi bán. Từ khi cầu treo hỏng, tôi toàn phải đi vòng từ 3 đến 4 km xuống Nà Cắp hay lên Bản Chuồng nên gặp rất nhiều khó khăn. Tôi mong các cấp chính quyền đầu tư lại cầu cho tốt để người dân chúng tôi được đi lại thuận tiện hơn”.
Bà La Thị Sinh – trưởng thôn Nà Làng tiếp lời: “Cầu năm xưa chưa hỏng nhiều vẫn còn đi tạm được nên chúng tôi lựa mà đi. Năm ngoái cầu hỏng nặng nên người dân chúng tôi mong rằng Nhà nước sớm sửa lại cây cầu hoặc xây mới cây cầu cứng để bà con đi lại dễ hơn”.
Mặc dù đã có biển báo cấm nhưng người dân vẫn bất chấp tính mạng khi đi qua cầu |
Cầu treo Nà Làng có vị trí rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân các thôn Nà Làng, Khe Và (xã Tình Húc) và một nhánh nhỏ các hộ dân thôn Ngàn Chuồng (xã Lục Hồn). Vì đây là cây cầu duy nhất để nhân dân những thôn này có thể trao đổi, mua bán các loại sản phẩm hàng hóa do người dân sản xuất ra, với các khu dân cư lân cận và bên ngoài trong những ngày mưa lũ lớn.
Cây cầu hư hỏng không đi lại được đồng nghĩa với các hoạt động giao thương cũng phải ngừng, nghỉ trong nhiều thời điểm của mùa mưa lũ, việc sản suất của các hộ dân nơi đây cũng bị ảnh hưởng theo.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Thanh Hùng – Chủ tịch UBND xã Tình Húc cho biết: “Do địa hình chia cắt phức tạp, cầu Nà Làng bảo đảm dân sinh giao lưu hàng hóa giữa thôn bản Nà Làng, Khe Và với trung tâm huyện. Năm 2008 cơn bão lịch sử số 6 làm ảnh hưởng chất lượng công trình. Lưu lượng qua lại trong 1 ngày có thể lên đến 500 lượt người, phương tiện qua lại, do vậy đây là cây cầu hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa .
Năm 2014, sau cơn bão số 14, cây cầu bị hư hỏng nặng, xã đã cấm người dân đi lại để đảm bảo tính mạng. Xuất phát từ những khó khăn đó, xã đề nghị huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây lại cầu. Năm 2015 các ngành chức năng đã rà soát, khảo sát lại, nhưng hiện tại xã chưa có nguồn để thực hiện.
Bộ Giao thông Vận tải đã khảo sát, rà soát lại để thực hiện xây dựng cầu treo Chương trình Mục tiêu quốc gia, xã đề nghị tỉnh, huyện, Trung ương quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu treo Nà Làng để nhân dân đi lại cho thuận tiện, giao lưu phát triển kinh tế cũng như gắn với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.
Bình Liêu đang quyết tâm đẩy nhanh tốc độ về đích của Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Việc đảm bảo giao thông thông suốt từ trung tâm huyện, xã đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa là yếu tố quan trọng, là điều kiện để nhân dân các dân tộc Bình Liêu khai thác tiềm năng sẵn có về đất, rừng, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo. Do đó việc tu bổ, sửa chữa lại Cầu treo Nà Làng để người dân đi lại an toàn là cần thiết và cũng là niềm mong mỏi của nhân dân nơi đây.