Bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với xe cơ giới phổ biến trên thế giới đến mức nào, người dân có ủng hộ không, thưa ông?
- Đầu tiên tôi phải khẳng định rằng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới, trong đó có xe mô tô, xe máy đã ra đời và triển khai tại hầu hết các nước trên thế giới như Anh, Úc, Canada, Thái Lan…. kèm theo những chế tài rất nghiêm.
Đây không chỉ đơn thuần là một sản phẩm bảo hiểm mà được xem là một trong số các giải pháp hữu hiệu góp phần đảm bảo an sinh xã hội nhằm bù đắp một phần tài chính cho chủ xe và giúp người bị tai nạn do xe cơ giới gây ra khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống khi không may xảy ra tai nạn giao thông.
Rõ ràng, mọi chủ thể hoạt động trong xã hội phải có nghĩa vụ dân sự với các chủ thể khác khi gây thiệt hại dù là khách quan hay chủ quan. Và việc thực hiện trách nhiệm dân sự đã được luật hóa ở các quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam chúng ta.
Cho dù luật hóa, nhiều chủ xe máy vẫn chưa được thuyết phục khi mua sản phẩm bảo hiểm này vì họ không được bảo vệ, và nghĩ nếu xảy ra tổn thất thì các bên sẽ tự giải quyết với nhau. Ông có thể giải thích như thế nào?
- Xe máy nói riêng, xe cơ giới nói chung là nguồn nguy hiểm cao độ có thể gây ra hậu quả trong xã hội mà người điều khiển không thể kiểm soát.
Điều gì xảy ra khi chủ xe không đủ điều kiện tài chính để bồi thường cho nạn nhân do trách nhiệm của họ gây ra ? Đặc biệt, nhiều chủ xe sau khi gây ra tai nạn còn bỏ chạy, và trong nhiều trường hợp cơ quan chức năng không thể truy tìm ra họ. Đó là lý do Nhà nước quy định bắt buộc tất cả các chủ xe cơ giới phải tham gia bảo hiểm TNDS nhằm tạo ra cho xã hội một quỹ tài chính bình ổn dân sinh để đảm bảo mọi nạn nhân do xe cơ giới gây ra trong mọi trường hợp đều được bồi thường đầy đủ đến một mức nhất định. Và như thế, người chủ xe cũng đã được bảo vệ nguồn lực tài chính của mình vì bên bảo hiểm đã giúp họ chi trả bồi thường cho bên thứ ba khi họ tham gia bảo hiểm.
Xe máy nói riêng và xe cơ giới nói chung là nguồn nguy hiểm cao độ có thể gây ra hậu quả trong xã hội mà người điều khiển không thể kiểm soát |
Ngoài ra, khi người dân tham gia bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới thì hành vi của những người điều khiển xe cơ giới sẽ thực hiện thương lượng, trao đổi với nhau khi va chạm phương tiện giao thông cũng sẽ thay đổi. Chủ xe sẽ cảm thấy an tâm “chỉ cần gọi bảo hiểm, đã có bảo hiểm lo” nên tránh được những tranh cãi dẫn đến hậu quả không đáng có. Đây chính là sự nhân văn của chính sách này bên cạnh việc bù đắp nhanh chóng cho nạn nhân bị thiệt hại.
Nhưng rõ ràng trong nhiều trường hợp đòi bồi thường không dễ dàng, phải không ông?
- Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, các doanh nghiệp đã giải quyết bồi thường bảo hiểm hỗ trợ cho nạn nhân tai nạn giao thông khắc phục hậu quả cho 593.658 vụ tại nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ. Mức bồi thường theo tỉ lệ thương tật như thế nào cho từng vụ cũng đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ Tài chính quy định Quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm.
Đối với xe máy, chi phí mua bảo hiểm là 50.000 đồng hoặc 60.000 đồng tùy loại xe (chưa bao gồm VAT), trong 1 số vụ do xe máy gây ra thì số tiền chi trả bảo hiểm có thể lên đến 150 triệu đồng, bao gồm thiệt hại về người là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn; đối với thiệt hại về tài sản là 50 triệu đồng/vụ tai nạn. Nếu tai nạn gây tử vong cho 2-3 người ngồi trên xe của bên thứ ba thì tất cả nạn nhân đều được chi trả 100 triệu đồng/người.
Thực tế cho thấy thì các vụ bồi thường dưới 10 triệu đồng được các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động giám định, xác minh vụ việc để đảm bảo giải quyết nhanh chóng quyền lợi khách hàng, còn trên 10 triệu đồng thì phải có đầy đủ các giấy tờ liên quan về vụ tai nạn từ cảnh sát giao thông, cơ quan cảnh sát điều tra...theo quy định hiện hành.
Trong tất cả các trường hợp, khi xảy ra tai nạn, khách hàng hãy gọi theo số điện thoại Hotline trên Giấy chứng nhận bảo hiểm để khai báo tai nạn, giữa nguyên và chụp hình hiện trường, lấy số điện thoại các bên liên quan để hỗ trợ cơ quan chức năng thúc đẩy quá trình xử lý hồ sơ được nhanh chóng nhất.
Một phần doanh thu từ sản phẩm bảo hiểm bắt buộc chủ xe cơ giới cũng đã được sử dụng để hỗ trợ nhân đạo cho những nạn nhân tai nạn giao thông trong suốt hơn 10 năm qua |
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng hồ sơ giải quyết quyền lợi bảo hiểm xe máy theo quy định hiện hành cũng cần phải được xem xét để giảm bớt về các giấy tờ liên quan, phù hợp với các mức độ thiệt hại thực tế sao cho người tham gia bảo hiểm không ngại khi phải thu thập hồ sơ liên quan đến tai nạn giao thông để yêu cầu công ty bảo hiểm giải quyết bồi thường kịp thời.
Về vấn đề này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã nhận diện được và đang đề xuất với Cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh quy định về hồ sơ giải quyết quyền lợi bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.
Bộ Tài chính có quy định các doanh nghiệp phải trích doanh thu bán bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới để hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông? Ông có thể cho biết vì sao lại có khoản đóng góp này và làm sao để các gia đình có thể nhận được sự hỗ trợ?
- Quỹ bảo hiểm xe cơ giới do các doanh nghiệp đóng góp (trích 1% doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới hàng năm) nhằm thực hiện chỉ hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tai nạn giao thông tử vong trong các trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm hoặc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và chi cho các mục tiêu khác như xây dựng các công trình an toàn giao thông, đề phòng, hạn chế tổn thất; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông và chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới...
Khi gặp sự cố, người dân có thể gọi đến văn phòng của Quỹ Bảo hiểm Xe cơ giới, điện thoại 024 3941 2063 hoặc đường dây nóng 0967 235 155 để được hỗ trợ hướng dẫn thực hiện chính sách với mức chi hỗ trợ lên đến 20 triệu đồng/người/vụ.
Cảm ơn ông!