Bảo hiểm nông nghiệp: Sẽ thực hiện theo cơ chế tự nguyện

(PLO) - Theo Dự thảo nghị định đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ thông qua và dự kiến sẽ bắt đầu triển khai từ 1/1/2018, bảo hiểm nông nghiệp sẽ thực hiện theo cơ chế tự nguyện giữa người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm…
Bảo hiểm nông nghiệp: Sẽ thực hiện theo cơ chế tự nguyện

Theo ông Ngô Việt Trung – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), bản dự thảo này đã trình Chính phủ trong tháng 10 vừa qua, hiện Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến 27 thành viên Chính phủ và tổng hợp ý kiến để trình Chính phủ ban hành.

Điểm nổi bật của Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) tới đây là sẽ quy định 2 mảng chính sách: Thực hiện BHNN và chính sách hỗ trợ BHNN. Trong đó nêu rõ: Thứ nhất, BHNN được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia BH, đối tượng BH, rủi ro được BH và phạm vi địa bàn. Thứ hai, chính sách hỗ trợ BHNN được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ. Đồng thời, dự thảo Nghị định xây dựng các quy định cụ thể về kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng chống gian lận BH nhằm đảm bảo hai chính sách nêu trên được triển khai thực hiện lành mạnh, bền vững và hiệu quả.

Ở cách tiếp cận khác, nếu như với Quyết định 315/QĐ-TTg về thí điểm BHNN giai đoạn 2011 – 2013 điểm danh đối tượng BH cụ thể cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thì Nghị định mới về BHNN lại tiếp cận hướng khác, đưa ra khung với mỗi loại cây trồng, vật nuôi sẽ đưa ra các mặt hàng chiến lược Nhà nước tập trung đầu tư, còn hỗ trợ như thế nào thì sẽ căn cứ vào giai đoạn trung hạn, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, khả năng ngân sách giai đoạn đó, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT sẽ tư vấn cho Chính phủ đối tượng và mức phí hỗ trợ phù hợp.

Trong giai đoạn thí điểm, mức hỗ trợ phí BH từ ngân sách tương ứng 100% vốn cho hộ nông dân nghèo, 90% hộ nông dân cận nghèo, 60% hộ nông dân thông thường, 20% tổ chức sản xuất nông nghiệp thì tới đây, theo tinh thần dự thảo Nghị đinh, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần phí BH cho hộ nghèo, người được BH cần đóng góp một phần phí BH để tăng trách nhiệm kiểm soát rủi ro khi tham gia BH. Dự thảo cũng nêu rõ: Doanh nghiệp BH tự cân đối tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.

Về vấn đề thiếu sự liên kết giữa các DN làm BH, dự thảo đã khắc phục điều này khi nêu rõ, với sản phẩm tự nguyện, DN có thể tự do, kiểm soát rủi ro. “Với chính sách hỗ trợ, chúng tôi đề xuất triển khai đồng BH để đảm bảo cùng mặt bằng có sự hỗ trợ, không tạo ra cơ chế cạnh tranh không lành mạnh. Và để phục vụ tốt hơn bà con ở địa phương cần có nhóm hỗ trợ BH tại địa phương…”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Về nguyên tắc BH thực hiện bồi thường BH cho người được BH, dự thảo Nghị định nêu rõ phải đảm bảo các điều kiện: có xảy ra sự kiện BH và không thuộc trường hợp loại trừ BH theo thỏa thuận tại hợp đồng BH; trường hợp BH theo chỉ số (index) hoặc tham số (parametric), các chỉ số, tham số này phải được công bố hoặc xác nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cơ quan chuyên môn thuộc danh mục được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định tại Nghị định này; người được BH có hồ sơ bồi thường BH đầy đủ và hợp lệ theo thỏa thuận tại hợp đồng BH; DN BH không chịu trách nhiệm bồi thường BH trong trường hợp có hành vi gian lận BH theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

DN BH có quyền áp dụng chế tài bồi thường BH trong trường hợp tổn thất xảy ra do nguyên nhân trực tiếp từ việc bên mua BH, hoặc người được BH không tuân thủ các quy định quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) và bảo vệ thực vật đối với hoạt động sản xuất NN và các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ sản do cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành; người mua BH hoặc người được BH không thực hiện các nghĩa vụ thông báo sự kiện BH và thực hiện các các biện pháp xử lý, hạn chế tổn thất theo hướng dẫn của DN BH; trường hợp khác do các bên thỏa thuận tại hợp đồng BH. 

“Về cơ chế cho DN, chúng tôi hoàn toàn nhất trí, hỗ trợ DN có thể bằng nhiều cách bằng cơ chế, cơ chế tài chính, chính sách ưu đãi nhưng tùy từng thời điểm. Hy vọng sau khi Nghị định được ban hành, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT sẽ triển khai chương trình từng bước và có trọng điểm”, ông Trung nói. 

Đọc thêm