PGS. TS. Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ giúp việc đồng thời là Người phát ngôn của Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ vừa trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT Chính phủ xung quanh vấn đề sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. PLVN xin trích giới thiệu một số nội dung quan trọng.
Thưa ông, những vấn đề lớn đang được quan tâm thảo luận như “quyền sở hữu”, “bình đẳng giữa các thành phần kinh tế”, “việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường”… được đặt ra trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 như thế nào?
Chính phủ được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 giao thực hiện việc tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban chỉ đạo của Chính phủ sẽ chủ động tổng kết và đề xuất các nội dung sửa đổi Hiến pháp trên một số vấn đề đang được nhiều người quan tâm.
Theo đó tinh thần đó, chúng tôi thiết kế chương trình tổng kết với yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 theo các chuyên đề chuyên sâu.
|
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên. |
Nhiều vấn đề lớn nảy sinh từ thực tiễn đã được Ban chỉ đạo “đặt hàng” các Bộ, ngành tiến hành tổng kết, chủ động đề xuất kiến nghị. Ví dụ, Bộ Nội vụ tiến hành tổng kết mối quan hệ giữa Luật Tổ chức Chính phủ và Hiến pháp; tổng kết việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường ở một số tỉnh, thành phố.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành tổng kết vấn đề sở hữu giữa các thành phần kinh tế, đây là vấn đề rất lớn cần được đặt ra trong đợt tổng kết lần này. Qua đó, cần khẳng định Nhà nước công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu khác nhau, bảo đảm các hình thức sở hữu là bình đẳng và bất khả xâm phạm và được Nhà nước bảo vệ như nhau.
Đồng thời, làm thế nào để người sở hữu có quyền tự hào về tài sản sở hữu hợp pháp của mình. Họ không giấu giếm mà công khai đầu tư làm giàu cho mình và góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Có như vậy mới khơi nguồn để khai thác tốt nguồn lực trong dân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết Luật Đất đai trong mối quan hệ với Hiến pháp, với các vấn đề lớn xung quanh chế định “sở hữu toàn dân về đất đai”…
Bộ Ngoại giao thực hiện chuyên đề chính sách đối ngoại, giá trị pháp lý của Điều ước quốc tế…
Tóm lại, các vấn đề nêu trên đều được Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ đặt ra để tổng kết, thảo luận, không né tránh.
Chúng ta có đánh giá việc thể chế hóa, ban hành các văn bản pháp luật để bảo đảm thực hiện Hiến pháp hay không?
Có chứ. Đây là vấn đề rất lớn cần phải được tổng kết, nghiên cứu kỹ lưỡng để có đánh giá khách quan quá trình gần 19 năm xây dựng pháp luật thực thi Hiến pháp 1992, làm rõ thành tựu đạt được và mặt còn hạn chế. Việc làm rõ vấn đề nào cần được bổ sung, hoàn chỉnh là rất quan trọng, bởi vẫn còn những vấn đề mà sau 19 năm thi hành Hiến pháp 1992 vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ và sâu sắc.
Do vậy, Bộ Tư pháp đang tiến hành tổng kết chuyên đề xây dựng pháp luật bảo đảm thực thi Hiến pháp 1992. Kết quả của chuyên đề này sẽ cho chúng ta thấy để thi hành Hiến pháp 1992 đã có bao nhiêu luật, pháp lệnh được ban hành, đã bao quát đầy đủ các lĩnh vực chưa? Những tư tưởng, nguyên tắc hiến định nào đã được thể chế hóa, thực hiện trong cuộc sống, trong quá trình xây dựng pháp luật bảo đảm thực thi Hiến pháp gặp khó khăn gì từ phía quy định của hiến pháp. Tổng kết chuyên đề này sẽ góp phần quan trọng vào việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Bộ Tư pháp cũng được giao thực hiện chuyên đề Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan khác, nhằm đánh giá thực tế vận hành của nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Từ đó không những kiến nghị phân công, phối hợp như thế nào cho hợp lý, mà còn đề xuất cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả.
Vậy chúng ta có nên tính đến việc thành lập Tòa án Hiến pháp không, thưa ông?
Nghiên cứu cơ chế bảo hiến đã được Đảng ta chủ trương và việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là cơ hội lớn để chúng ta thực hiện chủ trương đó của Đảng. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó và mới đối với Việt Nam, vì vậy, cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là trong điều kiện hệ thống chính trị của chúng ta.
Cơ chế bảo hiến trở thành nhu cầu thực sự và bức xúc khi bản thân Hiến pháp thông qua trình tự ban hành riêng và với trình độ kỹ thuật lập pháp cao trở thành một văn bản có vị trí đặc biệt, có giá trị tối cao và thiêng liêng, như là mệnh lệnh của quốc dân đồng bào đặt ra đối với Nhà nước, bất cứ ai trong bộ máy nhà nước đều có nghĩa vụ thực hiện mệnh lệnh cao cả đó.
Đối với người dân, những quy định của Hiến pháp phải thực sự là cơ sở pháp lý cao nhất mà họ có thể dựa vào đó mà bảo vệ quyền hợp pháp của mình. Khi Hiến pháp đạt được vị thế như vậy, bảo hiến là yêu cầu tất yếu phải có.
Một yếu tố nữa cũng cần tính đến khi suy nghĩ về cơ chế bảo hiến ở nước ta là nguyên tắc “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”. Đó là nguyên tắc được lịch sử lập hiến Việt Nam thừa nhận, kế thừa và phát triển qua các bản Hiến pháp của các thời kỳ lịch sử.
Do đó, tôi chưa thể nói rõ mô hình cơ chế bảo hiến ở nước ta nên như thế nào. Tôi chỉ có thể nói là khó có thể học tập kinh nghiệm về mô hình bảo hiến của các nước mà bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập được. Cơ chế bảo hiến ở nước ta phải phù hợp với nguyên tắc tổ chức của bộ máy nhà nước ta với đặc điểm hệ thống chính trị một đảng cầm quyền.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Lê Sơn – VGP (thực hiện)