Phát tán kinh hoàng qua mạng, ai xem cũng khiếp đảm
Trong một nghiên cứu mới đây, Nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) ở Việt nam xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, mở rộng đối tượng bị bạo lực và gây bạo lực.
Số liệu thống kê năm 2012 cho thấy tình trạng BLHĐ ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần so với 10 năm trước đó. Một báo cáo về bạo lực học đường do UNESCO thực hiện ở Việt Nam năm 2014- 2015 cũng cho thấy, hơn một nửa (51.9%) số học sinh tham gia khảo sát (2636 em) cho biết là đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong vòng 6 tháng trước cuộc khảo sát.
Đáng báo động là thời gian gần đây, tính chất các vụ bạo lực học đường xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Học sinh không chỉ gây hấn, bôi nhọ hay dọa dẫm lẫn nhau mà nhiều em đã sử dụng hung khí, đánh hội đồng dẫn đến thương tích nặng, tử vong...Ảnh hưởng của các vụ bạo lực không dừng ở phạm vi hẹp mà nhanh chóng lan rộng qua việc quay và phát tán clip trên mạng xã hội với cảnh đánh nhau rất kinh hoàng không chỉ giữa học sinh nam với nhau, mà gần đây các nhóm học sinh nữ cũng thể hiện các hành vi bạo lực một cách tàn bạo, man rợ, ai xem cùng phải khiếp đảm.
Đi tìm nguyên nhân bạo lực học đường
Mặc dù trong thời gian qua Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chỉ thị…có liên quan, tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh nhận định: “các chính sách nêu trên tác động chưa thực sự hiệu quả, bởi tình trạng BLHĐ vẫn diễn tiến nhanh và tiềm ẩn ngày càng phức tạp, khó xử lý triệt để”.
Nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh cho rằng, muốn hiểu được bản chất của tình trạng bạo lực học đường để có thể đưa ra các giải pháp ngăn chặn hiệu quả, phải nhìn nhận tổng thể từ góc độ tâm lý học, giáo dục học và xã hội học.
Một điều dễ nhận thấy là người học, đặc biệt trong độ tuổi học sinh THCS là một đối tượng đặc biệt phức tạp. HS ở giai đoạn lứa tuổi “khủng hoảng”, bởi sự không cân bằng giữa phát triển sinh lý và xã hội. Các em chưa trưởng thành về nhận thức và trách nhiệm hành vi. Trong khi đó, bối cảnh xã hội ngày nay thay đổi chóng mặt, tác động xã hội nhanh và trực tiếp đến người học qua các kênh thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội với nhiều ảnh hưởng xấu đến HS, cổ xúy cho các hành vi tiêu cực, phản cảm, trái quy chuẩn đạo đức… nên càng làm phức tạp hơn diến biến tâm lý bên trong của mỗi HS.
Trong khi là đối tượng bị bạo lực, hay đối tượng gây ra bạo lực, thì chính học sinh lại không được coi là trung tâm trong giải quyết BLHĐ vì mỗi khi xảy ra chuyện, thường là người lớn nhảy vào giải quyết, gạt học sinh sang một bên!
|
Nữ sinh ở Quảng Ninh nghi bị tụ máu do bạn đánh hội đồng |
Một thực tế khác cũng phải kể đến là thực trạng thầy, cô, cha mẹ, người lớn xung quanh không hiểu được người học, đặc biệt là sự phát triển phức tạp và đầy biến động của họ ở lứa tuổi THCS khi nói “không có ai phản ánh gì” hay “ở nhà các cháu rất ngoan ngoãn, nghe lời…”. Thầy, cô và Cha, mẹ coi nhẹ vấn nạn BLHĐ và chưa nhận thức đúng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của người học, con em mình, vì thế, có hành vi bao che, bỏ qua cho các đối tượng có liên quan.
Điều quan ngại hơn, Nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh nhận định thực tế chưa có sự kết nối chặt chẽ của 3 lực lượng giáo dục cơ bản: Nhà trường- gia đình- cộng đồng. Mặc dù là lực lượng giáo dục đặc biệt quan trọng, nhưng hầu như gia đình chưa tham gia tích cực vào giáo dục đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Làm thế nào để có môi trường học tập an toàn?
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, thành tố quan trọng trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện ở cơ sở giáo dục đó chính là mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau giữa người dạy, người học, người lớn làm việc với trẻ em, thông qua việc hình thành kết nối cảm xúc tích cực và hỗ trợ giữa các thành viên trong nhà trường. Chính mối quan hệ lành mạnh, tôn trọng lẫn nhau có tác động tích cực đối với sức khỏe thể chất và tình thần của HS và giáo viên, nhân viên, cũng như kết quả học tập và rèn luyện của các em, giúp các em xây dựng được tình bạn và nhận sự giúp đỡ của bạn bè, và dẫn tới giảm thiểu các hành vi mạo hiểm và bạo lực.
Để có được môi trường này, các chuyên gia về giáo dục cho rằng, không chỉ giáo viên mà cha, mẹ cũng phải thay đổi quan hệ với người học, với con em mình, coi trọng việc gần gũi, tạo ra sự kết nối cảm xúc tích cực với các em, để các em có thể tin cậy và chia sẻ. Nhà trường nên tổ chức thường xuyên các hoạt động trải nghiệm đa dạng với học sinh làm trung tâm trong nói không với BLHĐ kết hợp với lồng ghép nội dung về giáo dục giá trị sống; kỹ năng sống vào chương trình, nội dung và các hoạt động giáo dục khác.
Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm cần được giảm bớt thời gian làm các công việc sổ sách, hành chính để có nhiều thời gian gần gũi, giám sát và hỗ trợ học sinh hơn.