Thầy cô chủ nhiệm để làm gì?
Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng hiện nay chúng ta mới chỉ giáo dục kỹ năng sống, trong khi bộ môn tâm lý học đường chưa được áp dụng. Các em cần phải học cách tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng bản thân và khoan dung với bạn học.
Đó là cách triệt tiêu mầm mống của bạo lực học đường. Nhưng quan trọng hơn hết, cô giáo chủ nhiệm và hiệu trưởng phải là nhà giáo, là người có kỹ năng xử lý tình huống, hiểu tâm lý sư phạm, có thể giải quyết được các trường hợp xung đột trong nhà trường; đủ gần gũi để hiểu các em và đủ khôn khéo, cứng rắn để uốn nắn, ngăn chặn hành vi xấu của các em.
Song thực tế, nhiều giáo viên chủ nhiệm (GVCN) hiện nay phải phụ trách 40 - 50 học sinh, do đó thầy cô khó quan tâm đến từng cá nhân mỗi học sinh. Tại các trường đại học (ĐH) Sư phạm cũng cần đào tạo về kỹ năng tư vấn, điều chỉnh tâm lý cho sinh viên nhiều hơn để khi đi giảng dạy, các thầy cô có đủ kiến thức kỹ năng hướng dẫn cho học sinh.
TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định, những trường chú trọng đến vai trò và năng lực của GVCN sẽ không xảy ra các vụ bạo lực học đường. Bởi GVCN là những người hàng ngày tiếp xúc, gần gũi với học sinh, là những người trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh khi ở trường.
Tuy nhiên, ở nhiều trường, những giáo viên phụ dạy ít tiết, ít kinh nghiệm lại được phân công kiêm nhiệm làm GVCN. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ đặc thù cho GVCN chưa tương xứng. Theo thầy Lâm, việc dạy học trò không chỉ là quát mắng mà phải là tâm sự, GVCN phải có kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng về giáo dục tâm lý, song không mấy GVCN có đủ được các kỹ năng này.
Do đó, TS Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị, Luật Giáo dục cần phải đưa vào phần nhà giáo là có chức danh riêng cho GVCN, có quy định yêu cầu cụ thể với vị trí này. GVCN sẽ được tôn vinh ra sao, đãi ngộ như nào cần ghi rõ. Người kết nối gia đình với nhà trường, người làm nên thành công của phòng chống bạo lực học đường chính là đội ngũ GVCN…
Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội) thì bạo lực học đường đến từ nhiều phía như học sinh nào đó có điểm nổi trội về phong cách thời trang, đầu tóc, hay chỉ cần một cái “nhìn đểu” cũng có thể xảy ra xô xát. Đặc biệt, ở các nữ sinh, ngay từ lớp 6, khi các em bắt đầu dậy thì, có những tình cảm khác giới thì thường xuyên xảy ra tình trạng tranh giành bạn trai dẫn đến đánh nhau.
Thêm nữa, đôi khi kỷ luật và dân chủ ở các trường hơi quá trớn, chưa được phân định rõ ràng. Để giải quyết bạo lực học đường, vai trò trước hết thuộc về người đứng đầu nhà trường. Các trường cũng cần phân loại nhóm học sinh có nguy cơ chịu bạo lực và nhóm có nguy cơ gây ra hành vi bạo lực.
Bên cạnh đó, cần thành lập ban quản lý về bạo lực học đường, phân công nhiệm vụ cụ thể từng người. Các trường cũng nên có mạng lưới liên kết với các quán nước ven trường để khi có học sinh đánh nhau, dễ dàng nhận được thông tin. Hơn hết, các trường cần quan tâm đến giáo dục đạo đức cho học sinh.
Phụ huynh không… vô can?
Ở góc độ khác, theo PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam, giảng viên ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, bạo lực học đường có trách nhiệm của nhiều bên như gia đình, nhà trường và cộng đồng, tổ chức xã hội và địa phương.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh hơn đến vấn đề trách nhiệm của gia đình. Bởi xét về mặt thời gian thì bố mẹ là người gắn trọn đời với con. Như vậy, cha mẹ là người dành thời gian cho con nhiều nhất chứ không phải ai khác.
Thực tế hiện nay, các cuộc bạo lực lại bắt nguồn từ trên mạng xã hội. Nhiều gia đình bố mẹ chỉ quản lý con về chỗ ngồi từ lớp học về nhà nhưng lại không nắm được con đang bị bạo lực tinh thần qua mạng xã hội do các con va chạm với nhau ở trên mạng và giải quyết vấn đề với nhau ở bên ngoài. Điều này nhà trường khó có thể kiểm soát được. Trên tinh thần là sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường nhưng thực chất vẫn cần nhìn nhận rõ ràng hơn vai trò của gia đình.
Cô Vũ Thị Tuyết Nga (THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) cũng cho biết, trong Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, mọi hoạt động giáo dục học sinh bao giờ cũng được làm đồng hành cùng phụ huynh. Bố mẹ đều được mời đến trường và tham dự các hoạt động về kỹ năng sống, giá trị sống. Mục đích để phụ huynh sẽ biết cách làm, hiểu cách làm và đồng thuận với các thầy cô giáo.
Thầy cô luôn luôn coi phụ huynh là “những người cùng hội, cùng thuyền”. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không quan tâm đến con cái mình một cách đầy đủ. Ví dụ bỏ qua các buổi họp phụ huynh của các con tại trường, nhưng lại rất quan tâm đến học lực, thành tích của con em mình.
Ở góc độ khác, các trường học thường tập trung vào việc dạy các em học những môn trọng tâm để luyện thi như: Toán, Văn, Ngoại ngữ nhưng một môn rất quan trọng là Giáo dục công dân thì bị xem nhẹ, thậm chí chưa bao giờ được đưa ra thi.
Bên cạnh đó, học sinh có quá ít thời gian học ngoại khóa để các em có thể có môi trường rèn luyện các kỹ năng sống. Cô Nguyễn Thị Nhiếp-Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng ta dạy rất nhiều, thi rất nhiều nhưng có một môn rất quan trọng là môn Giáo dục công dân, môn dạy đạo đức làm người lại bị xem nhẹ.
Chúng ta đã quá thiên về dạy tri thức nên cả người dạy và người học đạo đức luôn trong tình trạng lặng lẽ, âm thầm. Thực tế cho thấy bố mẹ muốn học sinh đi học thêm các môn kiến thức hơn là tạo điều kiện cho con học kỹ năng sống. Chính vì thế, các con càng ngày càng chịu nhiều áp lực”.
“Tôi rất buồn vì các phụ huynh giờ đây tạo quá nhiều áp lực cho các con. Ngay từ đầu năm, có những phụ huynh đã bày tỏ mong muốn và bắt con phải có thành tích học tập tốt, phải đạt học sinh giỏi; rồi con nhà mình phải hơn con nhà người khác. Đau lòng nhất là bố mẹ bắt con phải im lặng khi có vấn đề gì không như mong muốn” - cô Nhiếp bày tỏ.
Và tất cả những ẩn ức, áp lực, những dồn nén khi số đông người lớn cuồng nộ cũng giải quyết bằng nắm đấm, đã đẩy không ít “trẻ trâu” thể hiện máu… anh hùng, anh chị mới là… người lớn. Bởi thế, nếu phụ huynh, thầy cô buông lỏng, trẻ sẽ trượt dài và nạn nhân thì chịu những ám ảnh khôn nguôi…
Đừng vội trách những đứa trẻ vô cảm trong những vụ bắt nạt, bởi chính chúng ta luôn dạy trẻ biết tránh xa rắc rối. Liệu có bao nhiêu người lớn dám đứng ra can ngăn các vụ hành hung trên đường phố hay đơn giản là làm chứng chống lại kẻ ác? Chúng ta làm sao có thể trách trẻ con vô cảm khi chính người lớn còn hành xử tệ hơn?
Để ngăn chặn tình trạng này, phụ huynh và nhà trường cần quan tâm đến trẻ em, hỏi han ngay khi thấy con em có biểu hiện bất thường. Bởi thống kê cho thấy, 43% trẻ em từng bị bắt nạt khi đến trường nhưng chỉ 1/10 nói lại với người lớn và tham vấn với gia đình/thầy cô ngay để tìm cách giải quyết.
Cần lắng nghe tất cả các bên như thủ phạm, nạn nhân, bạn học, giáo viên... để đưa ra cách giải quyết phù hợp và dứt khoát. Trong trường hợp nghiêm trọng, hãy để luật pháp giải quyết như trường hợp nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên. Không nên giải quyết kiểu “cải lương” như cho nghỉ học vài ngày và đặc biệt không cảm tính kiểu buộc giáo viên chủ nhiệm thôi việc!
Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học phổ thông FPT: Nhiều khi nhà giáo không hiểu luật
Hiện văn bản quy phạm pháp luật về chống xâm phạm thân thể và tinh thần với trẻ em được quy định không chỉ ở Luật Giáo dục mà còn có Luật Trẻ em, Hiến pháp nước Việt Nam năm 2013, Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Điều 37 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Đáng buồn là nhiều khi nhà giáo không hiểu luật, không biết cái gì mình được làm, cái gì không được làm và dường như giáo viên đang vượt quá giới hạn một cách quá vô tư. Nhiều người cứ nghĩ phải đánh trẻ rất nặng tay, kiểu như tát 231 cái hay đánh tím thân thể mới là bạo lực. Đó là nhận thức sai lầm.
Tất cả những hành vi như véo tai, vụt vào tay, tát, xúc phạm nhân phẩm và danh dự trẻ, yêu cầu trẻ đánh người khác, cho trẻ ăn thực phẩm bẩn… đều là phạm luật, nhưng tiếc thay đó vẫn là những hành vi thường diễn ra trong các nhà trường, do quan điểm sai lệch trong giáo dục, thiếu hiểu biết pháp luật và chưa tôn trọng trẻ em.
Đây cũng là lý do để dù Việt Nam đã có rất nhiều văn bản pháp luật, từ Hiến pháp đến luật, nghị định, chỉ thị… nhưng vẫn diễn ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em. Điều quan trọng là chính nhận thức sai nên giáo viên đã có hành động bạo lực với học sinh, khiến những học sinh bị bạo lực hoặc chứng kiến hành vi bạo lực đó coi việc sử dụng bạo lực để trấn áp người khác là bình thường. Giáo dục bằng bạo lực sẽ sinh ra bạo lực.