Bão số 3 có thể ảnh hưởng các tỉnh/thành nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và chủ động ứng phó với bão và thời tiết nguy hiểm trên biển Đông; các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa dông, mưa lớn cục bộ, lốc, sét, gió giật mạnh...
Vị trí tâm bão và đường đi của bão chiều nay, 20/7.
Vị trí tâm bão và đường đi của bão chiều nay, 20/7.

Bão số 3 đã đi vào đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). 16h hôm nay, 20/7, vị trí tâm bão ở khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền ven biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 60km tính từ tâm bão.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 16h ngày 21/7, vị trí tâm bão ở khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 300km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,5 đến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được từ 5-10km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 h ngày 22/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái khoảng 90km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 48 - 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Nam Đông Nam, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 16h ngày 23/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái khoảng 200km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 72 - 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển về phía Đông Đông Nam, mỗi giờ đi được từ 10-15km và suy yếu dần.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông cấp độ 3. Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14, sóng biển cao từ 5-7m, biển động rất mạnh.

Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao 2-4m.

Khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Tại cuộc họp giao ban trực công tác phòng, chống thiên tai sáng nay, 20/7, ông Phạm Đức Luận - Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến và chủ động ứng phó với bão và thời tiết nguy hiểm trên biển Đông; các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa dông, mưa lớn cục bộ, lốc, sét, gió giật mạnh.

Trước đó, Văn phòng Bộ Công an đã ban hành Công điện về việc ứng phó với diễn biến bão số 3 và mưa lớn. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Đà Nẵng cũng có văn bản gửi các Sở, Ban, ngành, địa phương để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 3.

Đọc thêm