Bảo tàng ở TP Hồ Chí Minh: Nỗ lực để “sống tốt”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều bảo tàng ở TP Hồ Chí Minh hiện thu hút đông đảo khách tham quan nhờ nỗ lực tự đổi mới, bắt kịp xu thế thời đại bằng các chương trình hấp dẫn, số hóa kịp thời.

Nhiều bảo tàng là điểm đến hấp dẫn

Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 17 bảo tàng (11 bảo tàng công lập và 6 bảo tàng tư nhân) với 4 bảo tàng xếp hạng I, 3 bảo tàng xếp hạng II; có 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ tại các bảo tàng. Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã quan tâm và có giải pháp hiệu quả trong việc phát huy hoạt động bảo tàng. Từ năm 2017, TP đã lên phương án, đầu tư nâng cấp các bảo tàng. Những năm qua, TP đã xây dựng, cải tạo, mở rộng và hiện đại hóa hệ thống bảo tàng như Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Dự án xây dựng mới Bảo tàng TP Hồ Chí Minh tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc tại quận 9... Tháng 4 năm nay, thành phố quyết định chi 45 tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh.

Thực tế cho thấy, những năm qua, lượng khách đến tham quan các bảo tàng ngày một đông. Thống kê sơ bộ, có những bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh... có lượng khách đến tham quan từ vài trăm lượt người mỗi ngày trở lên.

Trong số đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh là điểm đến phổ biến đối với du khách trong và ngoài nước. Đây cùng là bảo tàng có lượng khách đông nhất với lượng khách trung bình từ 1 - 1,5 triệu khách mỗi năm. Thông tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong quý I/2023, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón hơn 440 nghìn lượt khách tham quan, trong đó có 11.444 lượt khách nước ngoài; thuyết minh phục vụ 783 đoàn khách với 1.380 lượt dẫn, tổng số 23.142 người.

Một trong những bảo tàng nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh, vừa được xếp hàng I là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Đây cũng là bảo tàng có lượng khách đông hàng đầu trong số các bảo tàng thành phố với trên 1 triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Tháng 4, trong báo cáo tổng hợp từ trang TripAdvisor, Google Reviews, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh đứng thứ 61 trong danh sách 99 điểm đến hấp dẫn du khách nhất thế giới và là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách này.

Trải nghiệm với robot Batalis tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. (Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh)

Trải nghiệm với robot Batalis tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. (Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh)

“Vượt khó” đổi mới

Một trong những thế mạnh của các bảo tàng công lập tại TP Hồ Chí Minh chính là sự nhanh nhạy. Những năm qua, mặc dù có sự ảnh hưởng lớn của COVID-19 đến tình hình kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, nhưng các bảo tàng đã có những thay đổi mạnh mẽ để ứng phó, từ đó trở thành những điểm đến “không thể bỏ qua” trong mắt du khách.

Nhiều bảo tàng đã xây dựng những chương trình mới mẻ, hấp dẫn, kết hợp với công nghệ hiện đại và tiến trình số hóa khiến việc tham quan trở nên dễ dàng và thu hút hơn. Như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã sử dụng một container mô phỏng đặt ngoài trời, sử dụng các nghệ 3D kết hợp các công nghệ ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh… để tái hiện về 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ một cách chân thật và sống động.

Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh đã ra mắt bảo tàng tương tác thông minh 3D/360 giúp công chúng có thể “ngồi nhà click chuột” để tham quan bảo tàng. Bảo tàng cũng đã đưa robot Batalis vào hoạt động, giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của bảo tàng, hệ thống trưng bày cùng hình ảnh, video clip. Robot này có thể nhảy múa theo nhạc, di chuyển và đặt câu hỏi để khách tham quan tương tác trực tiếp khiến du khách thích thú.

Bảo tàng TP Hồ Chí Minh thì thử nghiệm số hóa với việc trang bị kính thực tế ảo để du khách có thể trải nghiệm sống động các dạng địa hình ở TP Hồ Chí Minh, các khu vực có hiện vật khảo cổ bên cạnh các hiện vật được trưng bày tại chỗ.

Điều đáng mừng là hiện nay các bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh hầu hết đã trang bị mã QR tại hiện vật trưng bày. Chỉ cần quét mã trên điện thoại, toàn bộ kho dữ liệu đầy đủ thông tin bao gồm những video, hình ảnh, câu chuyện, biểu đồ liên quan... sẽ được cập nhật cho du khách. Thậm chí, nhiều kho dữ liệu du khách có thể tương tác bằng cách bình luận, đặt câu hỏi... Như tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, số lượng hiện vật được gắn mã QR lên đến hàng chục ngàn.

Cạnh đó, các bảo tàng cũng đã tích cực “lên mạng” tương tác với công chúng bằng việc lập các kênh mạng xã hội, thường xuyên đăng tải hình ảnh, video, chương trình... quảng bá đến công chúng bằng ngôn ngữ trẻ trung, hợp thời. Có thể thấy được những nỗ lực mạnh mẽ của các bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh để “vượt khó” và tiếp cận công chúng.