Cần xây dựng quy định cụ thể để bảo tồn cây di sản Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam không chỉ là di sản của mỗi làng quê, là báu vật quốc gia mà còn là những chứng nhân văn hóa được giữ gìn từ ngàn đời, làm nên bản sắc Việt Nam. Có được cây di sản đã khó, việc chăm sóc, bảo tồn còn gian nan bội phần.
Cây di sản - cây si cổ thụ hơn 250 tuổi tại phủ Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh: Thùy Dương)
Cây di sản - cây si cổ thụ hơn 250 tuổi tại phủ Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh: Thùy Dương)

Hơn 7.000 cây cổ thụ là cây di sản

Theo TS. Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), cây di sản không đơn thuần là những cây cổ thụ mà còn là những nhân chứng lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc cần được tôn vinh và bảo vệ. Để được công nhận là cây di sản phải đáp ứng được các tiêu chí như: đối với cây mọc tự nhiên, cây sống trên 200 năm, cây to, hùng vĩ, có giá trị về đa dạng sinh học và môi trường, văn hóa, lịch sử; đối với cây trồng, cây sống trên 100 năm, cây to, hùng vĩ, có giá trị về đa dạng sinh học và môi trường, văn hóa, lịch sử; đối với các loại cây khác, phải gần đạt tiêu chí của cây tự nhiên và cây trồng, nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa, mỹ quan.

Ở Việt Nam, mở đầu cho sự kiện “Cây di sản Việt Nam” vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 5/10/2010, 9 cây muỗm cổ thụ gần 1.000 tuổi ở đền Voi Phục (Hà Nội) đã được VACNE công nhận, vinh danh. Kể từ năm 2010 đến quý II năm 2023, VACNE đã công nhận hơn 7.000 cây cổ thụ là cây di sản Việt Nam, thuộc 120 loài, tại 56 tỉnh/thành trong cả nước.

Những cây nghìn tuổi gắn liền với ý nghĩa, lịch sử, văn hóa của đất nước như rặng ruối 18 cây ở thôn Cam Lâm, Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) trên dưới 1.000 năm, từng là nơi Vua Ngô Quyền làm chỗ buộc voi chiến, ngựa chiến sau các cuộc tập trận để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc. Cây đa 1.000 tuổi ở đình Quán La, phường Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội), trong một lần về thăm phường Xuân La tháng 11/1958, Bác Hồ đã đứng dưới bóng mát của cây cổ thụ này và căn dặn cán bộ, nhân dân địa phương phải bảo vệ, gìn giữ những cây bóng mát cho con cháu mai sau…

Ngoài ra có những cây đạt kỷ lục cây cao nhất Việt Nam được ghi nhận là cây samu dầu cao hơn 70m ở Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An); cây cao tuổi nhất 2.200 tuổi là hai cây táu, có từ thời An Dương Vương ở Việt Trì (Phú Thọ); cây đơn thân lớn nhất là cây tung ở Đắk Lắk có đường kính 6,5m; cây đa ở đền Thượng (Lào Cai) có chu vi là 45m; quần thể 79 cây bàng, bằng lăng, thị rừng, điệp vàng ở huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); quần thể 135 cây cổ thụ ở Tiểu khu 379 Mã Đà, huyện Đồng Phú (Bình Phước). Cây pơmu Tây Giang (Quảng Nam) 1.500 năm tuổi theo phương pháp đếm vòng sinh trưởng. Cây nằm ở độ cao nhất là cây đỗ quyên cành thô của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, 2.700m. Địa phương có số lượng cây di sản nhiều nhất là quần thể Pơ mu Tây Giang, Quảng Nam 725 cây.

Cần có quy chế bảo vệ “sức khỏe” cho cây di sản

Có được cây di sản đã khó, việc chăm sóc, bảo tồn chúng còn gian nan bội phần. Do tuổi thọ cao, các cây di sản dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai. Có một số cây sau khi được công nhận, vinh danh đã suy giảm dần sức sống và bị chết.

Đơn cử như cây gạo gần 400 năm tuổi ở làng Cẩm Bào, xã Vạn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) được công nhận là cây di sản khiến người dân địa phương rất tự hào vì đây được coi là biểu tượng văn hóa làng. Tuy nhiên, khi được VACNE cấp bằng công nhận cây di sản vào cuối năm 2012, cây gạo bắt đầu có hiện tượng vàng lá, bong vỏ rồi chết dần. Người dân và chính quyền địa phương đã tìm nhiều cách cứu cây nhưng không thành. 9 cây muỗm cổ thụ ở đền Voi Phục (Hà Nội) là những cây đầu tiên mà VACNE nhận được đề nghị tôn vinh cây di sản. Tuy vậy, chỉ chưa đầy 4 năm sau khi được gắn biển, 9 cây muỗm cổ đền Voi Phục đã chết mất quá nửa...

Lại có những di tích được tôn tạo, tu sửa đã bê tông hóa các địa điểm công cộng gây ảnh hưởng “sức khỏe” nghiêm trọng cho cây di sản. Tại một số nơi, người dân đã lập quầy bán hàng vặt, quán giải khát ngay dưới gốc cây di sản. Có cây bị đóng đinh lớn vào thân để chăng dây điện các loại, treo loa phát thanh, buộc dây căng bạt làm quán bán hàng. Những chỗ đóng đinh, nét khắc trên thân cây di sản là những vết thương cơ giới tạo điều kiện cho một số vi sinh vật xâm nhập, gây bệnh cho cây. Điều này chứng tỏ, ở một số nơi, việc chăm sóc cây di sản chưa thực sự được quan tâm.

Theo VACNE, hiện nay, việc bảo vệ, chăm sóc cây di sản vẫn do các chủ cây, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư nơi có cây đảm nhận. Hiện chưa có quy chế cụ thể, thống nhất và sự phân cấp quản lý trong lĩnh vực bảo tồn, chăm sóc cây di sản. Tùy điều kiện thực tế, mỗi địa phương, đơn vị có cách bảo tồn, bảo vệ cây di sản riêng, mang tính tự phát, “mạnh ai nấy làm”. Trong khi đó, các cây di sản đều già cỗi, việc chăm sóc cần có kỹ thuật và kinh phí lớn nhưng nguồn lực của một số địa phương còn hạn chế. Do đó, việc tìm nguồn kinh phí bảo vệ, chăm sóc cây di sản gặp nhiều khó khăn.

Thiết nghĩ, từ thực tế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có quy định hoặc đề xuất Chính phủ xây dựng quy định cụ thể về việc bảo tồn cây di sản; tạo hành lang pháp lý để cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp xác định rõ trách nhiệm và xây dựng giải pháp huy động nguồn lực hiệu quả để phát huy giá trị cây di sản...