Ở tuổi xấp xỉ 60, nữ bị cáo thay vì quây quần hạnh phúc bên con cháu, lại “chạy” vô tù “ngồi” vì tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ”.
Đi từ Quảng Nam ra Huế buôn vật liệu nổ
Phiên tòa “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ” do TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra xét xử vào một sáng đầu thu, âm u không có nắng. Người thân của hai bị cáo Trần Thị Chữ (SN 1964, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) và bị cáo Nguyễn Thị Thanh (SN 1964, ngụ huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) xúm xít tại tòa từ sớm.
Đường xa, nên chị em, con cái bị cáo Thanh phải khăn gói đi xe đò từ tối hôm trước để kịp đến dự khán vào sáng hôm sau. Họ đến tòa, tay lỉnh kỉnh xách theo mấy giỏ thức ăn “tiếp tế” cho bị cáo. “Nó bị giam ở Huế, nhưng tháng nào chị em tui cũng cắt phiên nhau, từ Quảng Nam ra Huế thăm nuôi cả. Mỗi lần đi là mỗi lần khó, nhưng vẫn ráng”, chị bị cáo Thanh bày tỏ.
Nhà gần, nên chồng bị cáo Chữ và hai đứa con chỉ đi tay không. Người đàn ông 60 tuổi, tóc bạc trắng, mặt sạm đen, đầy nếp nhăn. Ông ngồi bần thần nhìn vợ đứng ở vị trí dành cho bị cáo. Đôi mắt già nua ẩn nét buồn. Khi bị cáo Chữ quay xuống nhìn chồng, ông nhìn vợ rồi gật gật cái đầu bạc trắng, cười an ủi. Nhưng nụ cười cứ méo xẹo, còn khó nhìn hơn cả khóc.
Cáo trạng thể hiện, trong quá trình quản lý nhà nghỉ tại tỉnh Quảng Nam, Thanh quen một đối tượng tên Minh ở tỉnh Quảng Nam thường hay đến ở tại nhà nghỉ (không xác định được nhân thân). Quá trình nói chuyện, Minh đặt vấn đề nhờ Thanh mua vật liệu nổ về bán lại cho Minh để kiếm lời, đồng thời cho Thanh số điện thoại của Chữ để liên hệ mua bán vật liệu nổ.
Tối ngày 30/11/2017, Thanh gọi điện cho Chữ để hỏi mua kíp nổ điện thì được Chữ đồng ý bán. Hai bên thống nhất với nhau về việc mua bán 2.500 kíp nổ điện, giá 5.000 đồng/01 kíp nổ, thời gian, địa điểm giao hàng là vào trưa ngày hôm sau tại cầu Máng, đường tránh TP Huế thuộc địa phận phường Hương An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sáng ngày 01/12/2017, Thanh đón xe khách ra Huế, khi xe sắp ra đến địa điểm hẹn, Thanh điện thoại báo cho Chữ biết. Nhận được điện thoại, Chữ lấy hai bao tải bên trong một bao đựng tổng cộng 2.500 kíp nổ rồi dùng xe máy chở đi ra cầu Máng đứng đợi. Khoảng hơn 13h cùng ngày, Thanh ra đến cầu Máng, xuống xe thì thấy Chữ đã đợi sẵn, trên xe máy có hai bao tải hàng. Nhận hàng xong, Thanh trả cho Chữ 12,5 triệu đồng.
Lúc này, Thanh nhờ Chữ chở mình cùng với hai bao tải hàng chạy trên đường tránh TP Huế theo hướng đi vào tỉnh Quảng Nam để đón xe khách về nhà. Cả hai đi được khoảng 500m thì bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam bắt quả tang.
Ngoài ra, cơ quan chức năng tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Chữ đã thu được 46 kg thuốc nổ công nghiệp Amônít, 1.200 kíp nổ số 8 thường. Tất cả số thuốc nổ, kíp nổ, dây cháy chậm này, các bị can khai cất giấu nhằm mục đích mua bán để kiếm lời.
Bị cáo Thanh còn khai nhận thêm, ngoài lần mua bán thuốc nổ bị bắt nói trên thì vào khoảng giữa tháng 11/2017, Thanh còn mua của Chữ chín cuộn dây cháy chậm tổng chiều dài là 407m và chín hộp giấy bên trong có 900 kíp nổ số 8 thường, với giá 9 triệu đồng, số vật liệu nổ này Chữ gửi vào cho Thanh bằng ô tô khách. Sau đó, Thanh đã cất giấu kíp nổ cùng dây cháy chậm trên dưới gầm cầu thang của nhà nghỉ nhằm mục đích bán lại cho đối tượng Minh để kiếm lời. Cơ quan chức năng tiến hành khám xét và thu giữ tang vật.
Biết sai sao vẫn cứ làm?
Hai bị cáo đều đã già. Tóc trên đầu đã lưa thưa sợi bạc. Cả hai ủ rũ đứng trước tòa. Sau lưng họ là những đôi mắt lo lắng của người thân. Tòa hỏi bị cáo Chữ, số kíp nổ trên ở đâu mà có? Bị cáo Chữ khai, tòa bộ số thuốc nổ, kíp nổ trên là của con rể bị cáo. Vào năm 2012, con rể bị cáo bị công an Đà Nẵng bắt về hành vi “vận chuyển trái phép vật liệu nổ” và bị TAND quận Liên Chiểu xử 8 năm tù giam.
Sau khi thụ án được 2 tháng, con rể bị cáo Chữ bị bệnh hiểm nghèo nên đã qua đời. Khi phát hiện số kíp nổ, thuốc nổ trên, bị cáo Chữ đã không trình báo cơ quan chức năng mà tiếp tục cất giấu suốt 5 năm liền. Bị cáo và chồng làm nghề chăn nuôi. Hai vợ chồng có một trang trại nhỏ, nuôi dê, nuôi heo, trồng nấm… Bị cáo Chữ nói, do đến vụ xuống giống, lại thiếu tiền, nên bị cáo mới đem số kíp nổ mình cất giữ lâu nay đi bán, kiếm tiền làm ăn. Không ngờ tiền còn chưa kiếm được, đã bị bắt quả tang.
“Bị cáo có biết hành vi của mình gây nguy hiểm thế nào cho xã hội không? Có biết tàng trữ, vận chuyển, mua bán vật liệu nổ là phạm pháp không?”. Bị cáo Chữ lí nhí bảo không biết. “Sao bị cáo không biết được. Con rể của bị cáo từng bị bắt, bị ngồi tù vì tội vận chuyển vật liệu nổ, sao bị cáo không biết được”. Do phạm vào trường hợp “Vật phạm pháp có số lượng lớn”, nên bị cáo Chữ bị truy tố ở khoản 2, điều 232 của BLHS (mức hình phạt từ 3 năm đến 10 năm).
Bị cáo Thanh làm nghề kinh doanh nhà nghỉ. Dù có thu nhập cao và ổn định, nhưng vì hám lợi, Thanh vẫn bất chấp nguy hiểm để buôn bán vật liệu nổ. Đây không phải là lần đầu Thanh có hành vi buôn bán vật liệu nổ. Vào năm 1993, bị cáo từng có hành vi mua bán trái phép chất nổ, bị cơ quan công an tỉnh Quảng Ngãi khởi tố hình sự. Sau đó xét thấy hành vi của Thanh không cần phải xử lý hình sự nên đã ra quyết định đình chỉ điều tra và chỉ xử lý bằng biện pháp “kiểm điểm, giáo dục tại địa phương”.
Năm 2015, bị cáo Thanh tiếp tục vi phạm, bị Tòa án tỉnh Quảng Nam xử phạt 3 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ”. Tính từ ngày án sơ thẩm được tuyên, Thanh chưa chấp hành xong hình phạt chính đã tiếp tục phạm tội “Tàng trữ, mua bán vật liệu nổ”.
Như vậy, bị cáo chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng nên bị cáo đã phạm vào tình tiết định khung là tái phạm nguy hiểm. Đồng thời, Thanh có 2 lần thực hiện hành vi mua kíp nổ về bán kiếm lời nên cũng phạm vào tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội nhiều lần.
Tại phiên tòa hôm ấy, chồng bị cáo Chữ cũng bị tòa triệu tập đến. Chồng bị cáo nhất nhất bảo, mình không hề biết vợ cất giấu mấy ngàn kíp nổ trong trại chăn nuôi. “Vợ chồng với nhau, ở trong nhà mình sao ông lại không biết?”. Người đàn ông run giọng bảo, ở trong trại nhiều vật dụng lắm. Kho chứa đồ lại nhiều bao bì vì nhà ông làm nấm. Vợ ông giấu bao đồ lẫn trong các vật dụng, ông không biết được. “Giấu những năm năm mà ông không hay biết?”. “Dạ tại vì kho chứa đồ mấy năm nay không có dọn dẹp nên không biết”.
Tòa tuyên phạt bị cáo Chữ 4 năm tù về tội danh “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ”. Bị cáo Thanh phải chịu mức án 3 năm 6 tháng tù về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ”. Do năm 2015, bị cáo Thanh bị tòa án tỉnh Quảng Nam xử phạt 3 năm tù treo về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ”, chưa chấp hành án xong đã vi phạm tiếp nên theo quy định của pháp luật, án treo trước đó bị chuyển thành án giam. Tổng hợp bị cáo Thanh phải chấp hành 6 năm 6 tháng tù.
Biết số năm mà bị cáo Thanh phải ngồi, chị gái bị cáo lại òa khóc nức nở.