Thủ đô Hà Nội là một trong các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao của Việt Nam nơi có nhiều hệ sinh thái tự nhiên như rừng trên núi đá vôi, rừng trên núi đất, các công viên, sông, hồ, đầm… Tuy nhiên, nhiều loài hoang dã và vùng sinh cảnh tự nhiên tại đây đã và đang dần biến mất do quá trình đô thị hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và khai thác và sử dụng không bền vững.
Nhiều loài động, thực vật phân bố tại Hà Nội đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt là các loài đặc trưng của các hệ sinh thái núi đá vôi hay khu vực bãi sông và đất ngập nước. Săn, bẫy, buôn bán và tiêu thụ trái phép là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng của các loài nêu trên và đa dạng sinh học ở thành phố Hà Nội.
Ông Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh việc cần có các hoạt động bảo vệ, bảo tồn môi trường. |
Dự án “Bảo tồn các loài bị đe dọa tại thành phố Hà Nội” do Trung tâm CCD thực hiện kéo dài trong 3 năm từ 2024 – 2026. Trong đó, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) phối hợp với các các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng và các trường học nhằm đảm bảo sự tồn tại và phục hồi của các loài động vật hoang dã (ĐVHD) bị đe dọa tuyệt chủng và duy trì, bảo tồn các sinh cảnh trọng yếu ở Hà Nội.
Dự án này tập trung nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật về chống buôn bán trái phép động vật hoang dã, cải thiện các quy trình tái thả và giám sát sau tái thả động vật, nâng cao nhận thức của cộng đồng hướng tới từ bỏ tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD. Đồng thời, dự án cũng phối hợp với các trường Trung học cơ sở nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về hành động tích cực đối với động vật và thiên nhiên.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc CCD, giới thiệu về dự án “Bảo tồn các loài bị đe dọa tại thành phố Hà Nội”. |
Đến tháng 9/2026, dự án hướng tới bảo tồn 100% cá thể Voọc mông trắng mới phát hiện tại rừng Hương Sơn; giảm 80% số vụ vi phạm liên quan đến ĐVHD tại Rừng phòng hộ và đặc dụng Hà Nội; cải thiện công tác quản lý 3.600 ha rừng tự nhiên trên núi đá vôi tại huyện Mỹ Đức. Kết thúc dự án, chuẩn hóa được quy trình cứu hộ, phục hồi, tái thả và giám sát sau tái thả ĐVHD và chia sẻ với ít nhất 10 trung tâm cứu hộ khác.
Dự án cũng hướng tới mục tiêu ít nhất 300 học sinh có thái độ và hành vi đúng đắn, góp phần bảo tồn các loài ĐVHD và ít nhất 500.000 người tiếp cận được thông điệp bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ ĐVHD thông qua các chiến dịch truyền thông trên VOV và tại lễ hội Chùa Hương.
Phó Giám đốc USAID Việt Nam Debra Mosel chia sẻ Việt Nam được xếp hạng thứ 14 trên thế giới về đa dạng sinh học. |
Hoa Kỳ là đối tác cam kết của Việt Nam trong công tác phòng chống nạn buôn bán ĐVHD trái pháp luật và bảo tồn đa dạng sinh học, phù hợp với các ưu tiên chung của 2 quốc gia trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam.
Tại sự kiện khởi động dự án, Phó Giám đốc USAID Việt Nam Debra Mosel phát biểu: “USAID ưu tiên hỗ trợ các tổ chức của Việt Nam thực hiện các dự án bảo tồn tập trung vào các loài bị đe dọa, chống săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã, các hỗ trợ đó sẽ giúp các tổ chức địa phương phát huy được thế mạnh của của mình nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý, các địa phương quản lý hiệu quả và bảo tồn được giá trị đa dạng sinh học. Tại Việt Nam, các tổ chức địa phương đóng vai trò ngày càng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, cụ thể là bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, ngăn chặn nạn buôn bán ĐVHD trái pháp luật".
Tham dự sự kiện còn có đại diện các cơ quan thuộc các bộ, ban, ngành có có liên quan của Việt Nam, các đối tác của dự án đến từ thành phố Hà nội và các vườn quốc gia, khu bảo tồn, các tổ chức trong và ngoài nước.