Ngày 16/8, UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong tình hình mới”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh, trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và vùng nam Trung Bộ nói chung đã sáng tạo ra những giá trị di sản văn hóa, truyền thống, giàu bản sắc, được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Quang cảnh hội thảo. |
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số đặt ra nhiều thách thức. Tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian... có nguy cơ mai một, thất truyền. Đời sống vật chất, mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần chưa đồng đều giữa các vùng miền, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.
“Hội thảo được tổ chức nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tỉnh Quảng Ngãi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, các giải pháp cả về lý luận và thực tiễn để văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và khu vực Nam Trung Bộ được bảo tồn và phát triển, trường tồn với lịch sử văn hóa, hòa chung vào dòng chảy văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam, góp phần vào công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước”, ông Tuấn nói.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn phát biểu tại hội thảo. |
Trình bày tham luận tại hội thảo, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho hay, các tỉnh Nam Trung Bộ có không dưới 30 dân tộc thiểu số đang sinh sống. Điều này tạo nên sự đa dạng văn hóa đáng kể cho toàn khu vực, bức tranh văn hóa càng phong phú, càng có cơ hội để giúp cho việc phát triển kinh tế xã hội cho toàn vùng.
Quy luật tự nhiên, khi di cư đến các khu vực khác, cộng đồng các dân tộc từ thiểu số đến đa số đều đem đến bản sắc văn hóa riêng của mình, mà đôi khi chính nơi họ ra đi có khi không còn giữ được. Đó chính là hiện tượng hóa thạch ngoại biên của văn hóa tộc người.
Bên cạnh việc giữ gìn văn hóa riêng của tộc người, những cộng đồng dân tộc này đồng thời cũng tiếp thu các giá trị văn hóa của tộc người mà họ chung sống để tạo nên những sắc thái văn hóa mới, vừa có nét riêng vừa tạo nên sự đa dạng, phong phú cho mảnh đất mới.
GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Thay đổi là điều đương nhiên đối với tất cả các hiện tượng. Song, thay đổi để phát triển trên cơ sở những truyền thống đã được xây dựng và vun đắp bằng mồ hôi và xương máu của biết bao thế hệ đi trước, chứ không phải để quên lãng, để xóa đi những giá trị truyền thống đó, như vậy sớm muộn gì cũng dẫn đến mất gốc, đến diệt vong.
“Điều vô cùng quan trọng hiện nay đó là làm thế nào để đem những giá trị văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng của một tộc người phục vụ cho cuộc sống hiện tại, vừa để giáo dục thế hệ trẻ, vừa để bảo tồn bản sắc văn hóa của cha ông và quan trọng hơn nữa là để phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Việc giáo dục di sản có thêm một vấn đề nữa là đưa vào trường học để dạy cho lớp trẻ. Dưới nhiều hình thức khác nhau như các bài học về văn học dân gian, các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống, các nghề thủ công, cách chế biến các món ăn dân gian… Đó là cách giáo dục trực quan sinh động nhất đối với lớp trẻ, làm cho học sinh từ quen đến yêu quý trân trọng văn hóa dân tộc của mình”, GS.TS Lê Hồng Lý nói.
Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu… đã trình bày 50 tham luận tập trung vào bảo tồn di sản văn hóa, văn học dân gian, tín ngưỡng – lễ hội dân gian, âm nhạc, du lịch, ẩm thực… Các đại biểu chỉ ra sự phong phú, đặc sắc của vốn di sản văn hóa, văn nghệ dân gian, từ đó các địa phương cần có những giải pháp đồng bộ trong việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, tạo sức hút mạnh mẽ với du khách, trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh của mỗi địa phương…
Để khắc phục những tồn tại đã nêu, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, truyền dạy, tìm ra những cán bộ làm công tác văn hóa giỏi và có những chế độ, chính sách phù hợp cho người làm văn hóa.