Bảo tồn vườn dâu Cái Tàu - U Minh để phát triển du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đã có một thời, cây dâu đường nhà nhà, người người ven theo sông Cái Tàu (thuộc xã Nguyễn Phích (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau). Loại dâu này vốn có nguồn gốc từ ngoài đảo, không biết từ bao giờ, nó đã gắn liền với địa phương để thành tên dâu Cái Tàu. 
Bảo tồn vườn dâu Cái Tàu - U Minh để phát triển du lịch

Vừa trồng dâu vừa giúp đỡ cho những người hoạt động cách mạng

Xuất thân là nông dân, cùng với tinh thần của một đảng viên gương mẫu, ông Ba Liêm (73 tuổi, từng trải qua các chức vụ như: Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau) mong muốn làm sao cho bà con địa phương có thể làm giàu trên chính phần đất của mình.

Dưới cái gió, cái nắng của tháng 5, ông Ba Liêm chỉ tay về cây dâu Cái Tàu, kể: Lúc đầu vườn tôi chỉ có khoảng 200 gốc dâu, tôi khôi phục lại mấy năm nay, trong đó, có nhiều cây dâu bản địa được giữ lại để phục vụ cho khách tham quan.

“Những người lớn tuổi đến vườn dâu của tôi là ký ức của họ sẽ ùa về, nhắc lại chuyện cũ gắn liền với cây dâu. Còn những người tham gia kháng chiến khi nhắc đến vườn dâu này thì lại nhắc đến vùng đất bên sông Cái Tàu khi xưa toàn là vườn dâu. Lúc bấy giờ, cơ quan, cơ sở của cách mạng ở bên đó. Người dân trồng dâu ở đây che chở, giúp đỡ cho những người hoạt động cách mạng. Vì vậy, cây dâu gắn liền với tên Cái Tàu cho đến nay” - ông Ba Liêm nói.

Ông Trần Thanh Liêm bên cây dâu xanh đã chín (tại ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh).

Ông Trần Thanh Liêm bên cây dâu xanh đã chín (tại ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh).

Trong Vườn trái cây của ông Ba Liêm có đa dạng các loại trái cây… nhưng vườn dâu Cái Tàu luôn có một sức hút đặc biệt. Bởi, cây dâu Cái Tàu từng là “bầu trời kỷ niệm” của rất nhiều người từng gắn bó với mảnh đất này.

Theo hồi ức của ông Ba Liêm, từ khi về hưu, về với vùng đất rừng U Minh, ông có 7 ha đất rừng (Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), vợ chồng ông Ba Liêm dành 4 ha đất trồng tràm, còn lại 3 ha đất ông cải tạo, trồng các loại cây ăn trái, nuôi gà, heo rừng, dưới kênh - ao nuôi cá đồng, thu về mỗi năm trên 500 triệu đồng. Mô hình của ông được bà con trong vùng đến học hỏi để nhân rộng. Vì vậy, ông đã liên kết với bà con trong vùng thành lập HTX Lâm nghiệp - Nông nghiệp - Du lịch Trang trại xanh với tổng diện tích trên 200 ha.

Dọc theo những tuyến đường của xã Nguyễn Phích có rất nhiều vườn cây ăn trái, chủ yếu là cam, quýt, mít, bưởi...

Du khách trải nghiệm và thưởng thức những trái dâu chín vàng tại Vườn trái cây của ông Trần Thanh Liêm (tại ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh).

Du khách trải nghiệm và thưởng thức những trái dâu chín vàng tại Vườn trái cây của ông Trần Thanh Liêm (tại ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh).

Trong các ngày Lễ, thu khoảng 30 - 40 triệu đồng

Tại vườn dâu “Rừng Nhớ” của bà Bùi Thị Diễm Trang (Ấp 15, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh). Bà Trang gốc là người ở Long An, khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm, làm việc cho Công ty sản xuất thức ăn Cám con cò ở Cần Thơ. Sau khi về hưu, năm 1995, bà Trang theo chồng về huyện U Minh, tỉnh Cà Mau lập nghiệp. Đến năm 2000, với lòng say mê trồng cây ăn trái, bà Trang mua giống dâu Cái Tàu ở Trung tâm Giống Cà Mau về trồng.

Sau hai năm vật vã vì đất phèn 2, đến năm thứ 3, bà Trang quyết tâm chinh phục cây dâu. Bà đào hố, vô phân cải tạo vùng đất phèn, cây dâu mới chịu bén rễ và sau 6 năm thì cây cho ra trái.

Đến nay, vườn dâu đã hơn 20 năm, bà Trang rất tự hào khi vườn dâu của gia đình dần trở thành quen thuộc ở vùng đất U Minh hạ, là địa chỉ không thể bỏ qua khi du khách đến tham quan.

Bà Trang cho biết: “Năm 2004, tôi duy trì được 60 gốc dâu Cái Tàu đến nay. Năm nào khách đông thì qua dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 là bán hết dâu, năm nào ít khách thì vườn dâu của tôi cũng sẽ hết trái sau đó khoảng 1 tháng. Gia đình bán vé 30 ngàn đồng cho mỗi du khách vào tham quan, dâu bán mang về cũng có giá 30 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, vườn dâu không phun thuốc, nên khách rất yên tâm khi ghé thăm và mua trái về. Giúp gia đình có nguồn thu khoảng 30 - 40 triệu đồng. Mấy ngày Lễ và đến nay đã có hơn 450 khách đến tham quan, chụp ảnh…” - bà Trang nói.

Được biết, tại thời điểm gia đình bà Trang quyết định trồng dâu, người dân U Minh đang chuyển đổi nuôi tôm. Bốn bên chung quanh là nước mặn nhưng với định hướng giữ nét đặc trưng của địa phương để phát triển du lịch cộng đồng, gia đình kiên quyết xây dựng, giữ vườn dâu Cái Tàu.

Ông Nguyễn Thanh Ril - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có 6 vườn dâu được duy trì để phát triển du lịch cộng đồng. Vì nhận thấy lợi thế, giá trị truyền thống của cây dâu bản địa, người dân cũng tích cực phát triển để xây dựng thành các điểm tham quan, du lịch. Cũng từ nhu cầu của người dân, chính quyền địa phương đã quan tâm và khuyến khích, duy trì, phục hồi vườn dâu để phát triển du lịch. Đồng thời, xã Nguyễn Phích cũng thực hiện một số chính sách liên kết, tổ chức, mở các lớp tập huấn cho bà con”. “Vườn dâu Cái Tàu là một sản phẩm du lịch trọng tâm để khai thác trong các điểm du lịch của xã” – ông Nguyễn Thanh Ril xác định.

Bà Bùi Thị Diễm Trang cùng ông Nguyễn Thanh Ril - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) tại vườn dâu đã chín vàng (ngụ ấp 15, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh).

Bà Bùi Thị Diễm Trang cùng ông Nguyễn Thanh Ril - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) tại vườn dâu đã chín vàng (ngụ ấp 15, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh).

Theo ông Nguyễn Thanh Ril - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích: “Tài nguyên du lịch sinh thái trên địa bàn xã rất phong phú, đa dạng, như trải nghiệm dưới tán rừng, xem gác kèo ong, khai thác cá đồng khu vực hợp tác xã 19/5 thuộc ấp 20; điểm du lịch sinh thái tham quan vườn sầu riêng, vườn cây ăn trái, vườn dâu Cái Tàu thuộc ấp 10, 15, 2 và ấp 3. Các cấp và chính quyền địa phương đã tổ chức và hướng dẫn người dân khai thác những thế mạnh sẵn có”.

Cũng theo Lãnh đạo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện U Minh cho biết, thời "hoàng kim" của dâu Cái Tàu vào khoảng năm 1990 trở về trước. Đặc biệt, xã Nguyễn Phích, đoạn từ ấp 1 đến ấp 6 hầu như nhà nào cũng trồng dâu. Có những hộ dân trồng đến vài trăm gốc, sản lượng hàng chục tấn trái mỗi năm. Đặc trưng, của dâu Cái Tàu là trái lớn, mỏng vỏ, mọng nước, vị ngọt, chua nhẹ, khi chín nó có màu vàng trông rất đẹp mắt. Dâu Cái Tàu trổ bông vào cuối mùa Đông và thường chín vào đúng dịp Lễ 30/4 – 1/5 hằng năm. Các chủ vườn địa phương cũng tận dụng dịp này để mở dịch vụ cho người dân đến tham quan, du lịch.

Được biết, hai bên sông Cái Tàu, đoạn đi qua xã Nguyễn Phích (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), có nhiều hộ trồng dâu đã chuyển đổi sang các mô hình sản xuất khác nên vườn dâu Cái Tàu mất dần... tuy nhiên, còn một số hộ dân duy trì hoặc khôi phục lại vườn dâu để phát triển du lịch của địa phương.

“Thời gian qua, trên địa bàn huyện U Minh tập trung quy hoạch lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt mô hình trồng cây ăn trái của ông Ba Liêm có hiệu quả cao. Từ đó, ông Ba tuyên truyền, hỗ trợ người dân địa phương cùng phát triển. Đồng thời, ông ba Liêm còn giúp cho xã Nguyễn Phích được một số mô hình du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch.

Hiện nay, những mô hình, điểm du lịch trên địa bàn xã Nguyễn Phích nói riêng, huyện nói chung đã phát huy được hiệu quả và có nhiều tiềm năng trở thành những mô hình phát triển du lịch bền vững. Từ thực tiễn cho thấy đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn phát triển, hạ tầng được đầu tư, kinh tế huyện được khởi sắc. Đó là kết quả của quan điểm chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo huyện, để thúc đẩy kinh tế U Minh phát triển bền vững” - một lãnh đạo huyện U Minh đánh giá.