Sở dĩ có lời kêu gọi khẩn thiết này vì ngày nay sử dụng AI (Artificial Intelligence - là trí tuệ nhân tạo mô phỏng những suy nghĩ và quá trình tiếp thu kiến thức của con người cho máy móc, hệ thống máy tính) đã trở thành việc bình thường, nhưng luật pháp các quốc gia trên thế giới và trong các lĩnh vực lại chưa theo kịp.
Khi AI là “người sáng tạo”
Một trong những bằng chứng của việc luật pháp chưa theo kịp tốc độ phát triển của AI đó là “thách thức pháp luật từ AI trong bảo vệ bản quyền văn hóa. Vào tháng 3/2023, một bộ truyện tranh Nhật Bản dài 100 trang vẽ bằng AI đã được bán ra. Điều đáng nói là tác giả bộ truyện tranh thừa nhận bản thân không có khiếu hội họa nhưng chỉ mất 6 tuần hoàn thành bộ truyện bằng cách nhập các từ khóa cần thiết để mô tả nhân vật mà ông hình dung và AI dựa vào đó cho ra hình ảnh nhân vật chính.
Trước đó, năm 2022, thế giới xôn xao quanh câu chuyện một bức tranh mang tên “Théâtre D’opéra Spatial” do phần mềm AI có tên Midjourney vẽ. Người sử dụng phần mềm vẽ tranh, anh Jason Allen, ghi ở mục tác giả là “Jason M. Allen via Midjourney”. Bức tranh này đã được trao giải nhất cho hạng mục nghệ thuật tại triển lãm ở bang Colorado, Mỹ tháng 8/2022. Bức tranh được cộng đồng nhận xét là có những nét vẽ sống động và thật khó để biết đây là sản phẩm của AI. Quá rõ để thấy rằng, bức tranh là do AI trực tiếp vẽ ra. Nhưng theo luật tác quyền, tác giả của bức tranh là phần mềm Midjourney hay là Jason Allen? Câu hỏi này khó có lời giải đáp thỏa đáng.
Năm 2023, hãng tin Reuters (Anh) dẫn nội dung một lá thư của Văn phòng Bản quyền Mỹ nêu rõ tiểu thuyết đồ họa “Zarya of the Dawn” của tác giả Kris Kashtanova được cấp bản quyền cho những phần gồm phần văn bản do tác giả viết và bố cục hình ảnh do tác giả sắp xếp. Riêng phần ảnh do Midjourney sáng tạo không được cấp bản quyền. Trong nội dung bức thư, Văn phòng trên cho biết sẽ đăng ký lại cho tác phẩm “Zarya of the Dawn”, không tính phần hình ảnh không phải sản phẩm do con người tạo ra và không được cấp bản quyền. Quyết định của Văn phòng Bản quyền Mỹ là một trong những quyết định đầu tiên từ một cơ quan Mỹ về phạm vi bản quyền đối với tác phẩm do AI tạo ra. Hiện nay, hầu hết luật pháp quốc gia đều chưa quy định vấn đề này. Hay nói cách khác, ngày nay sử dụng AI đã trở thành việc bình thường, nhưng luật pháp vẫn chưa bắt kịp.
Thách thức từ AI với bản quyền văn hóa
Liên quan đến vấn đề bản quyền văn hóa trước thách thức từ AI, Hãng tin AP đã từng trích dẫn ý kiến của Luật sư Ronald Wong, Công ty luật Covenant Chambers rằng: “Hiện tại vẫn chưa có định nghĩa pháp lý nào cho tác phẩm AI. Thuật ngữ “tác phẩm” không có nghĩa đây là nội dung mang tính nghệ thuật mà còn có cả các hình thức khác như hình ảnh, thiết kế, nhạc, video... Quan điểm pháp lý vẫn cho rằng tác phẩm AI được tạo ra không có quyền tác giả con người khác với tác phẩm truyền thống được tạo ra bởi tác giả là con người. Quyền tác giả của con người là yếu tố cần thiết để phát sinh bản quyền”.
Trong bài viết “Luật Bản quyền trước thách thức từ AI” đăng tải trên truyền thông, hai tác giả Phan Ngọc Trâm - Nguyễn Lư Tấn Giang, Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP HCM đã chỉ ra, trong kỷ nguyên số, quy định về “tính nguyên gốc” dựa trên tiêu chí tác phẩm phải được sáng tạo bởi con người đang bị thách thức bởi AI. Theo hai tác giả Phan Ngọc Trâm - Nguyễn Lư Tấn Giang, hiện nay có ba quan điểm chính liên quan đến vấn đề công nhận ai là tác giả đối với tác phẩm từ AI, đó là: công nhận lập trình viên của phần mềm AI là tác giả; công nhận người sử dụng phần mềm AI là tác giả; công nhận chính AI là tác giả. Đối với quan điểm thứ nhất các nước trên thế giới đã quy định như Anh, Úc, New Zealand… Còn quan điểm thứ hai và ba, hiện nay vẫn chưa có cơ chế pháp lý chính thức. Theo hai tác giả, để xác định vấn đề bản quyền trong “thời đại AI”, cần xác định tư cách chủ thể của AI. “Khi “trí thông minh” đang tách dần ra khỏi “ý thức”, nhân loại đang phải đối mặt với sự tiếp nhận các vấn đề mới chưa từng có trong tiền lệ là: các vật thể phi ý thức nhưng có trí thông minh đang đóng góp giá trị rất lớn đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Tư duy luật truyền thống lâu nay vẫn chỉ thừa nhận duy nhất con người là tác giả. Nhưng trong cuộc đua tác quyền, liệu con người có còn giữ được vị trí độc tôn nữa hay không? Trong tương lai, nếu AI tạo ra ngày càng nhiều các tác phẩm nghệ thuật bắt mắt, liệu AI có được công nhận là tác giả hay không? AI có được coi là chủ thể của luật hay không? Đây là một câu hỏi lớn không chỉ ngành Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) phải giải quyết mà còn là thách thức của toàn bộ hệ thống pháp luật”, hai tác giả Phan Ngọc Trâm - Nguyễn Lư Tấn Giang đặt vấn đề.
AI có phải chủ thể của luật?
Vấn đề này đã được đề cập rất nhiều tại cuộc Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo với hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật” do Đại học Luật Hà Nội tổ chức tháng 5/2024 trong khuôn khổ Diễn đàn Luật học và Phát triển năm 2024.
Bàn về tính xác thực và bảo hộ bản quyền của hình ảnh trong thời đại của AI tạo sinh, TS. Trần Tiến Công, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nêu rõ, trong thời gian gần đây, các mô hình tạo sinh hình ảnh, video và văn bản bằng công cụ áp dụng AI đã trở nên phổ biến chưa từng thấy, cung cấp ứng dụng đa dạng trong các lĩnh vực như nghệ thuật, giải trí, thử nghiệm trực quan hóa dữ liệu. Tuy nhiên, sự gia tăng tiện ích này cũng đặt ra những thách thức, bao gồm cả khả năng làm sai lệch thông tin, gây ra những vấn đề về lý và bảo hộ bản quyền tác giả. Với bối cảnh nhiều mặt này, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nhà nghiên cứu và các nhà bảo hộ quyền tác giả là phát hiện và xác định nguồn gốc của hình ảnh do AI tạo ra. Việc này có tác động lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm bảo mật, quyền riêng tư và ngành truyền thông.
Để nâng cao tính xác thực và bảo hộ bản quyền của hình ảnh trong thời đại của AI tạo sinh, theo TS. Trần Tiến Công, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để phát triển các chuẩn mực và quy định về việc sử dụng hình ảnh tạo sinh, tránh bị sử dụng vào mục đích xấu; áp dụng công nghệ Al cho việc tự động phát hiện hành vi sử dụng ảnh giả mạo trên internet và các nền tảng trực tuyến khác; tăng cường giáo dục và tạo nhận thức cho cả người sáng tạo và người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc bảo vệ bản quyền hình ảnh.
Chỉ ra cơ hội và thách thức trong việc bảo hộ quyền SHTT đối với sản phẩm do AI tạo ra, PGS.TS Vũ Thị Hải Yến - Phó Trưởng Khoa Pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội đã nhận định, sự phát triển của công nghệ AI cũng như sự tham gia của AI vào quá trình tạo ra sản phẩm sáng tạo đang đặt ra những thách thức trong việc có mở rộng hay không phạm vi chủ thể của quyền SHTT, hay nói cách khác AI có phải chủ thể của luật?
Theo PGS.TS Vũ Thị Hải Yến, cần tính đến những tình huống như: đối với những sản phẩm do AI tạo ra không có sự sáng tạo của con người; đối với những sản phẩm do AI tạo ra có sự sáng tạo của con người..., để qua đó nhận diện được các thách thức trong vấn đề bảo hộ quyền đối với công nghệ AI và sản phẩm do AI tạo ra.
“Nhận thức được vai trò quan trọng của AI đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, ngày 26/01/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 20230”. Song hành với đó là yêu cầu cấp thiết xây dựng khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của AI và sản phẩm do AI tạo ra. Để thực hiện được điều này, việc tham khảo pháp lý và thực tiễn pháp lý liên quan để bảo vệ quyền SHTT đối với công nghệ AI và sản phẩm do AI tạo ra là rất quan trọng, để có thể tận dụng tối đa lợi thế của AI mang lại, giảm thiểu rủi ro và những tác động tiêu cực, cũng như giải quyết được các vấn đề pháp lý liên quan”, PGS.TS Vũ Thị Hải Yến nhấn mạnh.
Sớm có quy định quản lý AI Thực tế đã và đang cho thấy, AI là một lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng với tiềm năng làm thay đổi cách con người làm việc, học tập và tương tác với công nghệ. AI do con người tạo ra, là sản phẩm của tri thức nên sẽ có biến thể “AI tốt” và “AI xấu”. Để chuẩn bị cho tương lai, mọi cá nhân và tổ chức cần trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức cần thiết để thành công trong một thế giới được điều khiển bởi AI. Ngoài ra, các nhà hoạch định cần thiết lập các chính sách, pháp luật để đối phó với những ảnh hưởng tiềm ẩn của AI bảo đảm rằng AI được sử dụng một cách có lợi cho nhân loại.
Trả lời truyền thông, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết: “Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi về trí tuệ nhân tạo AI nhưng phải bảo đảm hai yếu tố: Việt Nam phải xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nghiên cứu, ứng dụng vào đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, Việt Nam cần học tập, chia sẻ kinh nghiệm của các nước phát triển, đi trước theo hướng có trách nhiệm, phù hợp với văn hóa Việt Nam và tránh thiệt hại. Phát triển công nghệ số phải song hành cùng trách nhiệm và đạo đức”.