Bảo vệ lòng tin

(PLVN) - Cơ quan tiến hành tố tụng không bao giờ làm việc qua điện thoại và nhấn mạnh vai trò của báo chí rất quan trọng trong việc ngăn ngừa, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo qua công nghệ thông tin.

Một bé gái thích những con búp bê đan len thủ công rao bán trên mạng. Ky cóp từng nghìn bé gái đặt mua 3 con để cho mình và tặng em gái sinh nhật với số tiền 210.000 đồng. Khi mở ra là 3 cái “hình nộm” nhỏ xíu dùng cho treo chìa khóa. Đứa trẻ khóc hết nước mắt.

Một bà nội trợ đặt mua 2 lưỡi dao xay thịt ở một nơi bán hàng “uy tín” với giá 175.000 đồng, nhận được 2 lưỡi dao sứt mẻ mài lại và những con ốc vít hàn chặt lại với nhau. Hàng không trả lại được, ấm ức suốt cả ngày.

Đó chỉ là những dẫn chứng rất nhỏ trong việc mua bán online – loại hình rất phù hợp trong mùa dịch phải cách ly. Lợi dụng điều này, không ít những người kinh doanh vô lương tâm thực hiện hành vi “treo đầu dê, bán thịt chó”, từ những vật dụng nhỏ như keo dán, băng dính giá vài trăm nghìn đến các loại thiết bị cơ khí dùng pin có giá hàng triệu đồng, từ quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm đến thuốc men, máy móc, thiết bị vệ sinh, vật dụng cần thiết dùng trong nhà,... khiến người mua hàng luôn luôn phải “cảnh giác cao độ” nếu không muốn mình bị lừa.

Bị lừa rồi thì chỉ còn cách giải tỏa ấm ức trên mạng xã hội và mong mọi người không bị lừa như mình.

Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh chia sẻ với báo giới rằng chính ông và gia đình cũng bị các đối tượng lừa đảo giả danh các cơ quan tiến hành tố tụng gọi điện thoại dọa dẫm. Người dân khi nhận được những cuộc điện thoại này thì thường là hoảng hốt và làm theo chỉ dẫn của chúng, đã có người mất đến tiền tỷ.

Ông khẳng định là cơ quan tiến hành tố tụng không bao giờ làm việc qua điện thoại và nhấn mạnh vai trò của báo chí rất quan trọng trong việc ngăn ngừa, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo qua công nghệ thông tin.

Tại Quảng Nam, Công an vừa bắt một nhóm lừa đảo qua mạng, rao bán xe máy đắt tiền với giá rẻ, chiếm đoạt tiền đặt cọc rồi lặn mất tăm, giả danh công ty tài chính cho vay không cần thế chấp lừa người vay. Qua những thủ đoạn này số tiền chiếm đoạt trong một thời gian ngắn lên tới hàng tỷ đồng. Công an Lâm Đồng cũng vừa bắt hàng tấn hàng trôi nổi thành “đặc sản Đà Lạt” để tiêu thụ trong dịp Tết. Thủ đoạn tương tự này khá phổ biến và đã lặp đi, lặp lại nhiều lần khi thị trường hàng Tết bắt đầu sôi động.

Sự lừa đảo ở nhiều lĩnh vực khiến người dân luôn luôn phải đề cao cảnh giác và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mình trở thành nạn nhân. Cơ quan chức năng cần ra tay kịp thời và kiên quyết, xử lý đến tận cùng các vụ lừa đảo, dù nhỏ, góp phần tích cực bảo vệ cuộc sống bình yên, tin tưởng lẫn nhau.

Đọc thêm