Bão Yagi giật cấp 11 đang tiến nhanh vào Biển Đông, các tỉnh thành lên phương án ứng phó

(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tính tới 10h sáng 3/9, bão YAGI đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024. Dự báo, từ ngày 04-06/9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 13, giật cấp 16 ở vùng gần tâm bão.
Dự báo trong khoảng từ ngày 04-06/9 bão YAGI có thể đạt cấp bão rất mạnh trên khu vực Đông Bắc Biển Đông, gió mạnh tối đa có thể lên tới cấp 13, giật cấp 16 gần tâm bão.

Cập nhật mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 3/9, bão YAGI đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024. Hồi 10 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 119,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 20km/h.

Dự báo trong 24 đến 72 giờ tới, vào 10h/04/9, ở vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có bão cấp 10-11, giật cấp 13; với tốc độ khoảng 10km/h; Tới 10h/05/9 dự báo ở phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có bão Cấp 12-13, giật cấp 16 với tốc độ khoảng 10km/h; Dự báo tới 10h ngày 6/9, ở phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có bão Cấp 13, giật cấp 16, tốc độ khoảng 10km/h.

Dự báo diễn biến Bão số 3 (bão YAGI) từ 72 đến 120 giờ tới, từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, cường độ ít thay đổi.

Về tác động của Bão số 3 (bão YAGI), trên biển: Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13; biển động dữ dội.

Dự báo, từ ngày 04-06/9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 13, giật cấp 16 ở vùng gần tâm bão.

Trong 24 giờ tới, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m.

Từ ngày 04-06/9, có thể tăng dần lên 6,0-8,0m. Biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Mở 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang

Ngày 3/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện số 6476/CĐ-BNN-ĐĐ lệnh công ty thủy điện Tuyên Quang mở 01 cửa xả đáy vào 14h00 ngày 13/9/2024.

Theo đó, hồi 08h00’ ngày 03/9/2024, mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang ở cao trình 117,49m, lưu lượng đến hồ 827m3/s, lưu lượng xả 195m3/s;

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29/6/2024 của Chính phủ về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang: Mở 01 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 14h00’ ngày 03/9/2024; Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.

Thanh Hoá: Sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó Bão số 3

Ngày 3/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa có Công điện số 05 về việc chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 3, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố ven biển và các sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Đồng thới, tổ chức quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi cũng như kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng Thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng Thường trực Chỉ huy phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo quy định.

Chủ động ứng phó với bão gần biển Đông (bão YAGI)

Ngày 2/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện số 475/CĐ-BNN- ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; các bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam về việc ứng phó với bão gần biển Đông.

Công điện nêu rõ, theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ, ngày 2/9, bão Yagi đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines), vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc, 122,7 độ Kinh Đông với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu trên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi.

Tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới là Phía Bắc vĩ tuyến 15,0; phía Đông kinh tuyến 119,0 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Các tỉnh, thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).