Bất an khi con là 'fan cuồng'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, nhiều phụ huynh đã “hoảng hốt” khi xem một clip cho thấy cảnh người hâm mộ trẻ tuổi thức “thâu đêm” đón thần tượng.
Fan hâm mộ trẻ tuổi đứng chật sảnh chờ sân bay đón nhóm nhạc thần tượng. (Nguồn Internet)
Fan hâm mộ trẻ tuổi đứng chật sảnh chờ sân bay đón nhóm nhạc thần tượng. (Nguồn Internet)

Theo clip, khi nhóm nhạc thần tượng nước ngoài đến một khách sạn ở Hà Nội để nghỉ ngơi đợi đến buổi diễn hôm sau, một nhóm đông bạn trẻ đã đứng quanh khách sạn đến gần sáng, liên tục hát lớn những bài hát quen thuộc của thần tượng. Trước đó, rất nhiều bạn trẻ đã tập trung đón nhóm nhạc trên từ sân bay khiến sảnh chờ của sân bay đông nghẹt, thậm chí còn có hiện tượng rượt đuổi, chạy, la hét ồn ào trong khu vực này.

Hiện tượng nhiều bạn trẻ hâm mộ thần tượng âm nhạc đến mức quá khích không còn quá xa lạ. Những năm qua, “fan” trẻ Việt Nam cũng được coi là một trong những đội ngũ người hâm mộ cuồng nhiệt của nhiều “idol” nước ngoài. Ngoài việc không tiếc tiền mua sắm đĩa hát và các vật phẩm liên quan đến thần tượng, nhiều bạn trẻ, trong đó có cả học sinh tham gia các hội nhóm hâm mộ trên mạng, chi tiền lớn để tham gia các liveshow của thần tượng tổ chức trong và ngoài nước...

Không ít phụ huynh bày tỏ lo ngại khi phát hiện con mình tham gia các hội nhóm thần tượng, gọi thần tượng là “chồng”, “vợ”, hoặc tham gia các cuộc khẩu chiến “bảo vệ” thần tượng với ngôn ngữ thiếu văn hóa. Có người còn phát hiện con nhịn ăn uống lấy tiền hoặc trộm tiền cha mẹ để “đu idol”.... Thậm chí có “fan” trẻ tự hủy hoại bản thân, tự sát khi thần tượng qua đời...

Tuy nhiên, cách nhiều phụ huynh phản ứng trước hiện tượng này lại có thể càng đẩy con đi xa hơn. Có trường hợp phụ huynh càng cấm đoán con cái càng hâm mộ “điên cuồng” như một cách phản kháng với thái độ của cha mẹ.

Trong một chương trình talkshow truyền hình, Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A đã phân tích, việc giới trẻ thần tượng một ai đó chỉ là một trong các quá trình phát triển bình thường. Điều quan trọng là phụ huynh nên định hướng cho con mình thần tượng những nghệ sĩ có hành động tốt, giúp ích cho cộng đồng. Đặc biệt, không nên giễu cợt, chê bai thần tượng của giới trẻ vì sẽ khiến các em bị tổn thương dẫn đến những hành vi tiêu cực.

Theo các chuyên gia tâm lý, thay vì chỉ trích, cha mẹ nên kiên nhẫn, đặt mình vào vị trí của con, giúp con có được cảm giác thoải mái và sẵn sàng chia sẻ. Từ đó, cha mẹ có thể lắng nghe và hiểu rõ nguyên nhân khiến con hâm mộ cuồng nhiệt đến vậy, cho con biết những giới hạn về hâm mộ lành mạnh, hướng dẫn con cách xử lý tốt những cảm xúc quá mức. Đồng thời, bằng việc khuyến khích con tham gia vào những hoạt động ngoại khóa, học tập, rèn luyện kỹ năng, cha mẹ cũng có thể giúp con “giải tỏa” bớt những năng lượng cuồng nhiệt của mình.

Ngoài ra, nếu con đang “lậm” thần tượng và có nhiều hành xử quá khích, khó điều chỉnh, cha mẹ cũng cần tìm đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý hoặc chuyên viên giáo dục để giải quyết vấn đề một cách chuyên nghiệp.

Đọc thêm