Bất bình trước một kết luận về biệt thự 67 Nguyễn Thái Học

UBND phường Điện Biên khẳng định, việc xây dựng bức tường ngăn trong khu biệt thự số 67 Nguyễn Thái Học của hộ bà Nguyễn Thị Nhạn là bất hợp pháp. Nhưng không hiểu căn cứ vào đâu mà trong báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội, UBND quận Ba Đình lại thừa nhận bức tường trên tồn tại như một sự thật “lịch sử”?.

UBND phường Điện Biên khẳng định, việc xây dựng bức tường ngăn trong khu biệt thự số 67 Nguyễn Thái Học của hộ bà Nguyễn Thị Nhạn là bất hợp pháp. Nhưng không hiểu căn cứ vào đâu mà trong báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội, UBND quận Ba Đình lại thừa nhận bức tường trên tồn tại như một sự thật “lịch sử”?

Số nhà 67 Nguyễn Thái Học
Số nhà 67 Nguyễn Thái Học

Tham mưu sai?

Ngày 21/3/2012, UBND phường Điện Biên (Ba Đình, Hà Nội) lập biên bản, đình chỉ hành vi xây dựng bức tường ngăn “trái phép” của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn trên phần diện tích dùng chung của các hộ còn lại trong khu biệt thự số 67 Nguyễn Thái Học.

Đơn trình bày và tài liệu của những hộ dân ở đây cho hay: Trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND TP.Hà Nội và UBND quận Ba Đình cấp đều thể hiện rõ phần diện tích sử dụng riêng của mỗi hộ và phần sử dụng chung (sân, vườn...) của các hộ cùng sống trong biệt thự. Thế nhưng, bà Nhạn và con trai là ông Nguyễn Chuyên Cần đã xây dựng tường ngăn, nhằm chiếm hữu phần diện tích dùng chung nêu trên để sử dụng cho riêng mình(?).

Giải quyết vấn đề này, UBND quận Ba Đình chỉ đạo các ngành chức năng xác minh nguồn gốc nhà, đất và quá trình cư trú của các hộ trong biệt thự. Cụ thể, tại Báo cáo số 69/BC-UBND ngày 8/5/2012 gửi UBND TP.Hà Nội, UBND quận này nêu rõ: Tầng 1 của biệt thự được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phân cho gia đình ông Dương Bạch Liên - nguyên Bộ trưởng Bộ này - sử dụng. Phần diện tích tầng 1, sân do gia đình ông Liên sử dụng riêng biệt “có bức tường ngăn cách với lối đi chung vào sân sau của biển số nhà và một số buồng của biệt thư”.

Năm 1981, gia đình ông Liên chuyển đi nơi khác, diện tích này được bộ bố trí cho gia đình ông Nguyễn Nam Hải, lúc đó là Thứ trưởng bộ GTVT (ông Hải là chồng bà Nhạn) đến ở. Như vậy, với văn bản này, UBND quận Ba Đình đã chính thức thừa nhận bức tường ngăn cách phần sân, vườn trước nhà bà Nhạn với với lối đi chung của các hộ là một “tồn tại lịch sử”, và đã có từ trước năm 1981(?).

Kết luận nêu trên lập tức gây bất bình đối với các hộ sống trong biệt thự bởi theo họ, điều này không đúng sự thật.

“Căn cứ mà quận dựa vào để kết luận trong Báo cáo số 69 là không chính xác. Sân, vườn… bao quanh ngôi biệt thự là của chung và không có một bức tường ngăn nào từ thời xa xưa, ngoại trừ hai bức tường do gia đình bà Nhạn tự xây lên...

Trước thời điểm, quận báo cáo lên thành phố, chúng tôi nhiều lần có đơn cảnh báo chi tiết này, nhưng không hiểu vì sao quận không kiểm tra, xác minh mà chỉ căn cứ vào báo cáo của các cơ quan cấp dưới, để kết luận, công nhận sự tồn tại của bức tường này”, ông Hàn Đức Việt, chủ nhân một căn hộ trong biệt thự 67 Nguyễn Thái Học, bức xúc.

Điều đáng nói là, trong khi một số cơ quan liên quan và UBND quận Ba Đình có văn bản thừa nhận sự tồn tại của bức tường ngăn cách phần sân vườn với lối đi chung của toàn ngôi biệt thự, thì trước đó, UBND phường Điện Biên từng lập biên bản và khẳng định việc xây dựng bức tường của gia đình bà Nhạn là “vi phạm Điều 10, khoản 2 của Luật Xây dựng năm 2003 và Điều 5 khoản 1 Nghị định 180/NĐ-CP”.

Vợ cố Bộ trưởng Giao thông Vận tải lên tiếng

Ngay khi biết tin UBND quận Ba Đình báo cáo UBND TP.Hà Nội, trong sân biệt thự có tồn tại một bức tường ngăn cách diện tích sân, vườn với lối đi chung, và nó được hành thành từ trước khi gia đình bà Nhạn chuyển đến, tức là có từ thời gia đình ông Dương Bạch Liên - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT - đang ở, mới đây bà Nguyễn Thị Cúc (trú ở phố Nguyễn Thị Định, Hà Nội) - là vợ ông Liên - đã lên tiếng phản bác những thông tin trên: “Từ năm 1962 đến năm 1981, gia đình tôi sống tại 67 Nguyễn Thái Học.

Ngoài diện tích nhà (tầng 1 biệt thự - PV) được Bộ GTVT phân để ở, gia đình tôi không có bất cứ văn bản nào của bộ giao cho quản lý, sử dụng riêng đất vườn, sân, lối đi trong biệt thự. Diện tích đất vườn phía trước, sân phía sau, lối đi đều được sử dụng chung. Thậm chí, cây ăn quả trong vườn đến mùa thu hái cũng chia đều cho các hộ vì đó là của chung. Trong thời gian ở đó và trước khi chuyển đi nơi khác, nhà tôi và Bộ GTVT không xây bất kỳ bức tường nào phía trong khuôn viên”.

Một người từng sống trong ngôi biệt thự này cách đây 50 năm đã khẳng định rõ ràng như vậy, nhưng không hiểu vì sao tháng 8/2001, Chánh Văn phòng Bộ GTVT - ông Trần Văn Minh - lại ký Văn bản số 2569/VP (là căn được UBND quận Ba Đình đề cập trong Báo cáo số 69) nói rằng, toàn bộ tầng 1 ngôi biệt thự (nơi gia đình bà Nhạn đang ở) và khu vườn bao quanh biệt thự được ngăn cách với lối đi chung bằng một bức tường?.

Chi tiết này cũng lập tức bị ông Nguyễn Phi Long - nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT - người đang ở trong biệt thự trên, phản đối: “Xác nhận này hoàn toàn không chính xác. Việc phân nhà 67 Nguyễn Thái Học diễn ra từ năm 1962 - lúc đó, Bộ trưởng GTVT là ông Phan Trọng Tuệ, Chánh Văn phòng Bộ GTVT lúc bấy giờ là ông Đệ. Ông Trần Văn Minh là người về Bộ sau này, là Chánh Văn phòng thứ 8 kể từ thời ông Đệ, thì làm sao biết tường tận gốc gác ngôi nhà mà lại ký xác nhận như vậy để gửi cho UBND TP.Hà Nội và các cơ quan liên quan?”.

Từ những thông tin do các nhân chứng cung cấp đối chiếu với những căn cứ mà UBND quận Ba Đình viện dẫn trong Báo cáo số 69, có thể thấy đã có những điểm không trùng khớp, thậm chí không có thật. Đấy chính là vấn đề cần được UBND TP.Hà Nội chỉ đạo xác minh, làm rõ để trả lời công luận.

P.V.

Đọc thêm