18 nhóm đề xuất sửa đổi, bổ sung
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật Đầu tư công được mở rộng hơn nhiều so với phạm vi, nội dung của dự thảo trước đây. Cụ thể, hiện nay có tới 69/108 điều bị tác động, sửa đổi, bổ sung, đồng thời bãi bỏ 6 điều, bổ sung 4 điều mới. Vì vậy, Chính phủ thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội quyết định đối với dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), thay thế cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công như trình trước đó.
Về sự cần thiết phải ban hành luật, Bộ trưởng cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công bộc lộ khó khăn do lần đầu tiên xây dựng, ban hành và thực hiện Luật Đầu tư công nên không tránh khỏi những hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, điển hình là trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tồn tại nhiều bất cập trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch...
Về những nội dung tại dự luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra 18 nhóm vấn đề chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Đáng chú ý là dự luật đề xuất điều chỉnh phân loại dự án, trong đó, đối với dự án quan trọng quốc gia, tiếp thu ý kiến các cơ quan, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công lên 35.000 tỷ đồng, phù hợp với quy định trước đây tại Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội về quy mô dự án; điều chỉnh tiêu chí dự án nhóm A không phân biệt tổng mức đầu tư theo hướng không quy định đối với dự án thuộc địa bàn di tích quốc gia đặc biệt, sửa đổi, bổ sung tiêu chí về mức độ “tuyệt mật” đối với dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh, các dự án nhóm A, B, C...
Thực hiện luật chưa nghiêm
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn khi sửa đổi, bổ sung toàn diện hay chỉ sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư. “Nếu sửa toàn diện 18 vấn đề tôi sợ còn rối hơn, nếu không cẩn thận phá vỡ hết cả Luật Ngân sách”, ông Hiển nói và cho rằng, sau 5 năm tổng kết đánh giá thực hiện toàn bộ thì mới nên sửa toàn diện.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, phạm vi sửa đổi chỉ nên chọn lựa 5-7 điều bất cập để sửa đổi, bổ sung. Bởi trong những năm gần đây, do tác động của đầu tư, trong đó có đầu tư công đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam ổn định ở mức cao góp phần ổn định, cân đối ngân sách nên khó thuyết phục Quốc hội phải sửa đổi luật.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất quan điểm chỉ sửa những vấn đề đang vướng mắc trong thực hiện Luật; những vấn đề cứng nhắc thì rà soát lại.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội: “Thực hiện Luật đầu tư công có khó khăn, bất cập trong Luật chỉ là một phần, còn phần nhiều hơn do tổ chức thực hiện Luật đầu tư công chưa nghiêm. Tôi đồng ý cái cứng nhắc thì rà lại, cái gì thiếu, chưa đồng bộ thì sửa đổi, còn những gì không phải do Luật mà do công tác điều hành thì không sửa”.