Đồng loạt tăng giá
Theo thông tin mới đây của JLL Việt Nam về thị trường căn hộ Hà Nội, trong quý IV/2020, lần đầu tiên địa bàn Gia Lâm ghi nhận dự án chung cư mở bán với giá gần 44 triệu đồng/m2. Hiện, tốc độ tăng giá căn hộ tại các quận như Nam Từ Liêm, Gia Lâm còn cao hơn khu vực trung tâm. Giá tăng trung bình tại các quận nội thành là 2.100 USD/m2 thì ở ngoại thành là 1.473 USD/m2. Lý giải điều này, JLL cho rằng do kết nối giao thông các vùng ven trung tâm Hà Nội liên tục được cải thiện. Ngoài ra, hiện các doanh nghiệp BĐS có xu hướng phát triển các khu đô thị ở khu vực ngoại ô.
Theo khảo sát của PLVN, nằm gần trục Đại lộ Thăng Long, dự án Hà Đô Charm Villas của Tập đoàn Hà Đô vừa được chào bán ra thị trường với giá 60 triệu đồng/m2. Trong khi đó, mặt bằng giá những sản phẩm cùng phân khúc ở quanh khu vực này như biệt thự, liền kề Nam An Khánh, Geleximco, Thiên Đường Bảo Sơn… vào khoảng 35-45 triệu đồng/m2.
Tại khu vực trung tâm Thủ đô, dự án BRG Grand Plaza 16 Láng Hạ có giá từ 45 triệu – 60 triệu/m2; dự án Summit Building 216 Trần Duy Hưng có giá thấp nhất 50 triệu/2, căn đẹp có giá lên đến gần 70 triệu/m2…
Tại TP Hồ Chí Minh, giá nhà và thị trường BĐS cũng có xu hướng tăng, nhất là tăng mạnh trong vòng ba tháng qua. Theo Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, thông tin 3 quận sáp nhập lại để lên TP Thủ Đức đã “đẩy” giá các nền đất tăng lên từ 5 - 10%. Một trong những dự án BĐS tăng mạnh nhất ở thành phố này khu đô thị Vạn Phúc (Thủ Đức).
Hồi đầu năm 2020, chủ đầu tư dự án dự án này tung sản phẩm Premium Shophouse, với diện tích đất bình quân 140 m2, diện tích sàn xây dựng khoảng 820 m2 có giá từ 24 tỉ đồng/căn, thì vào đầu tháng 12 chủ đầu tư đã điều chỉnh mức giá tăng lên gần 33 tỉ đồng/căn…
Lý giải của Bộ Xây dựng
Trong cuộc họp báo được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thừa nhận, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covi-19, các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng, nền kinh tế cũng tăng trưởng chậm, hoạt động BĐS trầm lắng hơn nhưng giá BĐS vẫn tăng, thậm chí tăng mạnh trong những tháng gần đây.
Lý giải điều này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng là do quan hệ cung – cầu. Theo đó, nhu cầu về nhà ở của người dân đô thị, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang rất cao. Rất nhiều người sinh sống ở hai thành phố này dù công việc đã ổn định nhưng vẫn chưa có nhà. Số lượng người có nhu cầu mua nhà là rất lớn nhưng “cầu” thị trường BĐS thời gian qua lại không nhiều.
Ông Hùng giải thích thêm, những năm gần đây, các dự án BĐS mới tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được cấp phép mới không nhiều. Thập chí, có nhiều dự án trước đây được cấp phép rồi nhưng do những quy định mới, thủ tục cần điều chỉnh nên dự án phải tạm dừng để hoàn thiện thủ tục. Pháp luật hiện nay quy định chặt chẽ hơn, do đó hiện nay không có quá nhiều dự án BĐS được triển khai. Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn,
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến giá BĐS tăng dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nguyên nhân chính là nguồn cung khan hiếm hơn giai đoạn trước. Nhiều dự án phải rà soát theo quy định của hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo điều kiện pháp lý, từ đó dẫn đến tiến độ xây dựng chậm hơn và nguồn cung ít đi. Ngoài ra, quỹ đất tại các khu vực trung tâm không còn nhiều, do đó khi có dự án giá thường được đẩy lên cao.
Đại diện Bộ Xây dựng thừa nhận và lý giải nguyên nhân giá BĐS tăng cao, nhất là giá nhà chung cư. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng thừa nhận giá nhà tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang có mức giá rất cao, thu nhập người dân bình thường không thể mua được. Tuy nhiên, về mặt giải pháp thì Bộ Xây dựng chưa đưa ra được giải pháp cụ thể để hạ giá thành BĐS.
Thị trường BĐS được kiểm soát?
Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS thời gian qua cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, tác động tiêu cực. Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường BĐS đang ngày càng phát triển mở rộng cả về quy mô vốn, loại hình, số lượng dự án, quy mô dự án và chất lượng dự án; cơ cấu sản phẩm đa dạng. Giai đoạn 2016 – 2020 đã huy động được hơn 4,3 triệu tỷ đồng vốn các loại để phát triển các dự án BĐS, hàng năm trung bình đóng góp khoảng 0,45 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP chung của cả nước.