Ngăn chặn kịp thời các vụ việc đáng tiếc như iFan
Theo Bộ Tài chính, các thiết bị nói trên không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu, không thuộc danh mục quản lý chuyên ngành hay hàng hóa gây mất an toàn nên doanh nghiệp được phép làm thủ tục nhập khẩu theo nhu cầu một cách dễ dàng. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, từ năm 2017 đến tháng 4/2018 đã có 15.600 máy đào tiền ảo được nhập khẩu vào Việt Nam, gồm máy xử lý dữ liệu bitcoin, dữ liệu bitmain, máy xử lý thuật toán, thiết bị xử lý dữ liệu thuật toán, máy xử lý dữ liệu tự động và máy xử lý dữ liệu tự động dùng cho hệ thống quản lý điều khiển từ xa, nội bộ. Số lượng máy đào tiền ảo nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu tập trung tại 3 thành phố lớn gồm TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Cụ thể, năm 2017, lượng máy nhập về là hơn 9.300 bộ. Trong đó, hơn 2.300 bộ nhập về Hà Nội, khoảng 7.000 bộ nhập về TP HCM, còn lại là Đà Nẵng. Chỉ tính riêng hơn 4 tháng đầu năm 2018, lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam đã đạt con số hơn 6.300 bộ, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn gồm Hà Nội và Sài Gòn. Trong đó, Sài Gòn nhập 2.009 bộ, Hà Nội nhập hơn 4.300 bộ.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong thực tế, việc sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin cho mục đích khai thác tiền ảo thời gian qua có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phức tạp trong công tác quản lý, dễ bị các đối tượng lợi dụng để sử dụng như tiền tệ hoặc một phương pháp thanh toán khác. Điều này đã vi phạm Nghị định 101/2012/NĐ-CP về việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 80/2016/NĐ-CP.
Điển hình là vụ lừa 15.000 tỷ đồng xảy ra tại TP HCM liên quan đến 32.000 người, thông qua mô hình đầu tư tiền ảo iFan, pincoin, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp quản lý chặt chẽ với việc nhập khẩu và sử dụng mặt hàng là máy đào đồng tiền này. Do vậy, để ngăn chặn kịp thời các sự vụ khác có thể xảy ra, trước mắt, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo kể trên.
Cảnh báo biến tướng đa cấp trong ủy thác máy đào
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý tiền ảo, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 3318 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan tới vụ lừa đảo tiền ảo iFan hơn 15.000 tỷ đồng. Theo đó, Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an và Ngân hàng Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xem xét, xử lý vụ lừa tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng xảy ra hồi đầu tháng 4/2018.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới bitcoin, tiền ảo. Trước nữa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị yêu cầu tăng cường biện pháp kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng bất ký dịch vụ thanh toán, thẻ, tín dụng, chuyển tiền… liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng. Nguyên nhân được đơn vị quản lý cho rằng những nghiệp vụ này có thể sẽ phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế.
Về phần mình, Bộ Tư pháp đã tổ chức một số cuộc hội thảo nhằm lấy ý kiến trong nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam. Tại một cuộc hội thảo đó, ông Vũ Viết Truyện đến từ Công ty Vok Smarttech chia sẻ, đầu tư máy đào coin chỉ là 1 trong 7 loại hình đầu tư crypto (tiền mã hóa) đang phát triển ở Việt Nam. Hoạt động này không mới lạ, tuy nhiên là mảng thu hút nguồn lực tài chính vững chắc do tâm lý nhà đầu tư muốn đầu tư máy đào cho cảm giác an toàn hơn so với đầu tư coin hoặc ICO (hình thức huy động vốn đầu tư từ cộng đồng thông qua các nền tảng ảo). Theo ông Truyện, hiện nay thiếu các mỏ đào tập trung do việc công nhận loại hình đầu tư kinh doanh này chưa được làm rõ, khiến nhà đầu tư e dè khi tập hợp số lượng lớn. Đồng thời, ông cảnh báo gần đây tại Việt Nam nổi lên hình thức ủy thác máy đào cho các nhóm tập trung mang thiên hướng của đa cấp./.