Bắt đầu xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

(PLVN) - Phiên tòa bắt đầu từ hôm nay, 19/9 và dự kiến kéo dài đến 19/10. Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan (SN 1956, nguyên Chủ tịch công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 người khác bị xét xử về các tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới ”.
Bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị xét xử lần thứ 2 (Ảnh: Bùi Yên).

Trong sáng nay, HĐXX đã thẩm tra hết lý lịch của 34 bị cáo.

Phát hành hơn 30.000 tỷ đồng trái phiếu khống

Theo cáo trạng, bà Lan thành lập và là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bà Lan nắm giữ 60% vốn tại doanh nghiệp (DN) này, hai con gái bà Lan nắm giữ 20% và Công ty Cổ phần Emerald nắm 20%; bà Trương Huệ Vân làm Đại diện theo pháp luật.

Từ năm 2018 đến 2020, ngân hàng SCB (bà Lan là cổ đông lớn nhất, nắm quyền điều hành) khó khăn tài chính nên bà Lan chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng SCB, công ty chứng khoán Tân Việt và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng công ty An Đông và một số Công ty khác phát hành trái phiếu để huy động vốn từ người dân.

Được bà Lan cho chủ trương và chỉ đạo, lãnh đạo chủ chốt các Công ty nêu trên đã họp bàn, lên phương án tạo lập; thông qua Công ty Tân Việt và ngân hàng SCB phát hành trái phiếu và chào bán cho người dân với lãi suất cao hơn lãi gửi tiết kiệm tại ngân hàng SCB.

Khu vực bị hại được bố trí tại sân toà (Ảnh: Bùi Yên)

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng bốn công ty gồm: công ty An Đông (3 mã năm 2018, 2019), công ty Quang Thuận (1 mã năm 2018), công ty Sunny World (1 mã năm 2018) và công ty Setra (20 mã năm 2020) với khối lượng 308 triệu trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, để lừa đảo hơn 35.000 nhà đầu tư, thu về hơn 30.000 tỷ đồng.

Số tiền thu được không được sử dụng đúng mục đích phát hành là đầu tư vào các dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho nhà đầu tư mà các đối tượng đã rút tiền và sử dụng vào mục đích khác, dẫn đến không có nguồn tiền để đảm bảo chi trả gốc và lãi khi đến hạn. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án, tháng 10/2022, bốn công ty nêu trên còn dư nợ tổng cộng hơn 30.000 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư, không có khả năng chi trả.

Vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới

Ngoài việc phát hành trái phiếu khống, thu hàng chục ngàn tỷ, bị cáo Lan và đồng phạm còn bị cáo buộc vận chuyển trái phép số tiền hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới.

Theo cáo trạng, từ tháng 10/2012 đến tháng 10/2022, dưới sự chỉ đạo của bà Lan, các đối tượng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã phối hợp cùng nhân viên ngân hàng SCB chuyển tiền, nhận tiền trong nước ra quốc tế và ngược lại. Có 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thực hiện giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định với số tiền 1,5 tỷ USD. Đồng thời, có 21 công ty liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam trái quy định với số tiền 3 tỷ USD.

Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 1 tháng (Ảnh: Bùi Yên)

Đa số việc chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện như thiếu văn bản xác nhận của phía Việt Nam về việc Công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng, thiếu chứng nhận hợp pháp lãnh sự hoặc các giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam còn thiếu trường thông tin về chuyển tiền bị hệ thống tự động khóa... Tuy nhiên, những người có thẩm quyền tại ngân hàng SCB vẫn duyệt cho chuyển tiền trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.

Bị cáo Lan còn được xác định là chủ mưu, cầm đầu, tổ chức cho 8 bị cáo khác thực hiện "rửa tiền" với tổng số hơn 445.000 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 415.000 tỷ đồng từ nguồn tiền phạm tội tham ô tài sản của SCB và 30.000 tỷ đồng từ nguồn tiền do phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đọc thêm