Theo STR, công ty cung cấp dữ liệu về thị trường khách sạn toàn cầu, hiện nay công suất phòng khách sạn vẫn chưa đạt được một nửa so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Tính đến cuối tháng 3/2022, công suất phòng và giá phòng bình quân vẫn thấp hơn năm 2019 gần 20%.
Việc nới lỏng các hạn chế đi lại và mở cửa du lịch quốc tế đã phần nào giúp nhiều khách sạn trong thành phố cải thiện hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khách sạn và resort tại các địa điểm du lịch nghỉ dưỡng ghi nhận sự hồi phục không đồng đều và chưa ổn định, nhất là tại các địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn khách quốc tế như Đà Nẵng và Nha Trang.
Trước dịch Covid-19, Đông Nam Á là một trong những điểm đến du lịch rất được ưa chuộng trên thế giới. Trong đó, Việt Nam nổi lên như một quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cả về thị trường nội địa và quốc tế với bốn năm liên tiếp ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai con số (tính đến năm 2019). Giới hạn về việc đi lại, giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới là những đòn giáng mạnh đến đà tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC, đánh giá Việt Nam hiện là một trong những quốc gia trong khu vực có ít rào cản nhất đối với thị trường khách quốc tế và đứng trước cơ hội đón đầu nhu cầu phục hồi du lịch từ nhóm khách châu Á sau một thời gian dài phải tạm dừng thực hiện các chuyến đi. Mặc dù các khách sạn ghi nhận sự tăng trưởng nguồn khách quốc tế nhưng giá phòng và công suất của các khách sạn vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch, đồng thời cũng thấp hơn so với một vài điểm đến khác trong khu vực.
Theo ông Mauro Gasparotti, sự sụt giảm nguồn cầu là do vẫn còn những rào cản cho quá trình phục hồi của ngành du lịch. Ngoài ra, nguồn cung tăng trưởng nhanh hơn so với nhu cầu đang yếu cũng gây áp lực trong việc cải thiện công suất phòng. Số lượng dự án mang thương hiệu khách sạn của nhà điều hành quốc tế và khu vực dự kiến tăng gấp đôi trong ba năm tới, từ 127 lên 261 dự án vào năm 2025.
Dữ liệu của Savills Hotels cho thấy các sản phẩm thuộc dự án nghỉ dưỡng chiếm thị phần không nhỏ trong tổng nguồn cung phòng ốc cho ngành du lịch Việt Nam với khoảng 16.000 căn condotel và biệt thự nghỉ dưỡng đã được mở bán trên thị trường năm 2019.
Trong năm nay, thị trường dự kiến có hơn 8.000 sản phẩm được mở bán, với gần 50% nguồn cung mang thương hiệu khách sạn quốc tế và khu vực. Với nguồn cung lớn và không ngừng tăng lên trong bối cảnh thị trường du lịch nghỉ dưỡng chịu tác động nặng nề của đại dịch có thể gia tăng áp lực cạnh tranh về giá tại một số điểm đến cũng như về nguồn nhân lực của ngành khách sạn trên cả nước.
Trên thực tế, không chỉ ngành du lịch khách sạn phục hồi chậm, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng trầm lắng sau thời gian ngủ đông dài. Báo cáo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 4 tháng đầu năm 2022 của DKRA Việt Nam cho biết, lượng tiêu thụ condotel vẫn ở mức rất thấp, ghi nhận sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Ngoại trừ tháng 1 tiêu thụ được 152 căn, trong các tháng 2, 3, 4 sức mua căn hộ khách sạn phục vụ nghỉ dưỡng này chỉ 11, 19 và 47 căn.
Ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng R&D DKRA Vietnam, cho biết sức cầu thị trường bất động sản nghỉ dưỡng còn ở mức rất thấp, xu hướng giảm tiếp tục kéo dài từ cuối 2019 đến nay, dự án mới mở bán có tình hình tiêu thụ hàng khá chậm. Những khu vực quen thuộc và phát triển mạnh về condotel như Khánh Hòa, Đà Nẵng... tiếp tục vắng bóng nguồn cung mới với thanh khoản khiêm tốn.
Theo ông Thắng, thị trường sẽ cần thêm thời gian hồi phục nguồn cung lẫn lực cầu sau giai đoạn dài ngủ đông. Tuy nhiên quá trình hồi phục này sẽ diễn ra chậm chạp và khó có đột biến, các địa bàn có khả năng bật dậy rơi vào các nhóm tỉnh thành: Thanh Hóa, Bình Định, Đà Nẵng và Quảng Ninh.