Ban Quản lý các KCX & KCN TP HCM (HEPZA) phối hợp UBND Bình Chánh vừa tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch các KCN TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và giải pháp thu hút đầu tư 2025.
Theo đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP HCM sẽ có thêm nhiều KCN mới với tổng diện tích hơn 6.000ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn, là những địa phương còn quỹ đất và tiềm năng phát triển công nghiệp đô thị vệ tinh. Song song đó, TP sẽ từng bước chuyển đổi các KCX & KCN hiện hữu sang mô hình mới như KCN sinh thái, khu công nghệ cao, khu đô thị - dịch vụ công nghiệp hoặc trung tâm logistics.
Đây là bước đi chiến lược, khẳng định quyết tâm của TP trong việc xây dựng thế hệ KCN mới mang tính hiện đại, bền vững và thích ứng linh hoạt với bối cảnh kinh tế toàn cầu. Việc phát triển này cũng đi đôi với việc thu hút nhà đầu tư để TP HCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong giai đoạn TP HCM và tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiến hành sáp nhập.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến quan trọng đã được đưa ra nhằm tìm ra giải pháp thu hút đầu tư. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đánh giá, sau hơn 30 năm phát triển, công nghiệp của TP phát triển đã tới hạn, nguồn lao động, quản trị, công nghệ đều lạc hậu. Do vậy, công nghiệp phải thay đổi mạnh mẽ mới giữ được mức tăng trưởng, nếu không sẽ khó cạnh tranh với các địa phương, quốc gia khác.
Theo đó, các KCX & KCN hiện hữu phải thay đổi sang KCN công nghệ cao, KCN sinh thái, không chờ đến khi kết thúc thời gian hoạt động dự án rồi mới chuyển đổi. Ông Hoan đánh giá cao 5 KCX & KCN đã chủ động xây dựng đề án chuyển đổi, nhất là KCX Tân Thuận đã thuê tư vấn, lập dự án.
![]() |
Khu chế xuất Linh Trung II. (Ảnh trong bài: Trường Giang) |
Về phía HEPZA cho biết, định hướng sắp tới không chỉ là mở rộng diện tích, mà còn đặt trọng tâm vào chất lượng và hiệu quả đầu tư. Các KCN mới phải bảo đảm được sự đồng bộ trong quy hoạch hạ tầng - không chỉ trong hàng rào mà cả hạ tầng ngoài hàng rào như giao thông kết nối, mạng lưới logistics, nhà ở công nhân, trường học, y tế, các thiết chế văn hóa xã hội. Tất cả nhằm tạo ra một hệ sinh thái đầu tư toàn diện, từ đó mới có thể thu hút được những DN có năng lực và tầm nhìn dài hạn.
HEPZA kiến nghị TP nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển hạ tầng KCN, hướng đến mô hình quản lý quỹ mở, thu hút đầu tư xã hội hóa. Điều này sẽ tạo thêm nguồn lực để đầu tư đồng bộ về giao thông, điện, nước, xử lý nước thải, là những yếu tố quyết định sự hấp dẫn của các KCN mới.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, TP HCM cần có một bộ tiêu chí rõ ràng, linh hoạt để phân loại ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, đồng thời không nên quá ràng buộc điều kiện dẫn đến khó khăn trong triển khai thực tế. Đại diện Cty TNHH Liên doanh KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) đánh giá cao chủ trương chuyển đổi các KCN cũ, nhưng lưu ý quá trình này cần có sự đồng thuận từ người lao động, DN hiện hữu và các cơ quan liên quan, tránh xáo trộn hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Nhiều DN hạ tầng cho biết sẵn sàng tham gia đầu tư xây dựng KCN mới nếu TP ban hành cơ chế hỗ trợ về đất đai, tài chính, giải phóng mặt bằng và cấp phép xây dựng được cải cách theo hướng nhanh gọn.
Một số DN đề xuất cần tích hợp các trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, trường nghề và cơ sở nghiên cứu - đổi mới sáng tạo ngay trong hoặc gần các KCN để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển xanh.
UBND TP cho biết, để thu hút nhà đầu tư, trong giai đoạn tới đây, TP HCM dự kiến đầu tư 14 KCN mới với tổng diện tích 3.833ha. TP định hướng xây dựng, phát triển các KCN thông minh, hiện đại với các phân khu công nghiệp chuyên ngành phù hợp. Đặc biệt, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Cty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) cho biết, hiện TP có gói hỗ trợ vay vốn ưu đãi lên đến 200 tỷ đồng/dự án trong thời hạn 7 năm cho DN hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, kinh tế số. Đây là quyết tâm của TP trong việc tạo điều kiện để DN Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp hiện đại.
Ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban HEPZA cho biết, trong giai đoạn phát triển mới, TP định hướng giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp, đồng thời chuyển đổi theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, tái cơ cấu theo hướng công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, chuyển dịch nhanh những ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên, ít giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Hiện HEPZA đang phối hợp các Cty hạ tầng thí điểm chuyển đổi 5 KCX & KCN gồm Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái và Bình Chiểu. Bên cạnh đó, TP dự kiến đầu tư 14 KCN mới với tổng diện tích 3.833ha.
Trong giai đoạn 2025 - 2027, đầu tư 4 KCN Phạm Văn Hai I, Phạm Văn Hai II, Vĩnh Lộc 3, Nhị Xuân.
Giai đoạn 2027 - 2030, đầu tư 5 KCN An Phú, Trung An, Lê Minh Xuân 4, Phạm Văn Hai III, Hiệp Phước 3.
Giai đoạn 2030 - 2033 đầu tư thêm 5 KCN Tân Phú Trung 2, Tân Phú Trung 3, Tân Phú Trung 4, Bình Khánh 1, Bình Khánh 2.
Với các KCN mới, định hướng hình thành các cụm liên kết ngành bên trong KCN và giữa các KCN lân cận, qua đó tạo điều kiện thu hút hiệu quả các nhà đầu tư, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.