Những khu “rừng ma” của người Raglai ở xã vùng cao Ma Nới (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận), được nhắc đến với bao sự huyền bí bao quanh. Một xã vùng cao với hầu hết là người dân tộc thiểu số, vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu.
Cánh “chim ma” huyền bí trên nóc nhà mồ
Ngày đầu Xuân, ông Nguyễn Văn Lâm, trưởng phòng Văn hoá huyện Ninh Sơn, chia sẻ: Người Raglai vẫn lưu giữ nhiều tập tục xa xưa, trong đó có tục “bỏ mả” đối với người chết. Họ tin rằng, những khu rừng mà có chôn người chết thì phải kiêng kị, không được tự ý bén mảng đến vì rất sợ “con ma rừng” theo về gây hoạ cho dân làng.
Từ chia sẻ này, chúng tôi tìm về vùng đất “huyền bí”, gặp “kho sử sống” của đồng bào tại đây là già làng Chamaléa Âu (SN 1955, ngụ thôn Do).
Già Âu kể, khi một người Raglai về với Yàng (Trời, Thần linh) sẽ trải qua lần lượt các việc xung quanh như sau: Dù già hay trẻ, chỉ được để thi thể ở nhà không quá 24 tiếng (vòng lặp lại đúng một ngày, chết trưa ngày nay, trưa ngày mai phải đi chôn - NV).
Già làng Chamaléa Âu |
Người quá cố sẽ được mang ra “rừng ma” chôn cất. Người Raglai không liệm xác. Họ quan niệm phải chôn người chết nhanh, để lâu vong hồn người chết sẽ lưu luyến và ở lại gây hại cho người sống. Khi người đã khuất được đưa ra “rừng ma”, nếu người nhà đã làm lễ “bỏ mả” (chia tài sản cho người chết - NV), người thân sẽ không bao giờ lui tới để chăm sóc phần mộ, kể cả ngày lễ, tết và ngày giỗ.
Lễ “bỏ mả” tuỳ theo gia đình, tuỳ tộc họ, nhà giàu sẽ làm vào ngày đem chôn, còn gia đình chưa có điều kiện có thể đem chôn người chết trước, sau đó (có thể cả năm sau, đến ngày giỗ đầu) mới làm.
Lễ “bỏ mả” của người Raglai có nét tương đồng như một số dân tộc ở Tây Nguyên. “Giống như cho một người con ra ở riêng vậy, chia những vật trong nhà từ cái chén, cái gùi, cái nồi, cái đàn,...đem ra rừng cho người chết, rồi phải dựng một cái nhà nhỏ cho người chết có nhà ở”, ông Âu nói.
Trong rừng ma, huyệt mộ không đào sâu, những ngôi mộ chỉ đắp đất nhô cao chừng gang tay. Trên những ngôi mộ, được che nắng che mưa bởi một căn nhà nhỏ. Sau khi hoàn thành xong việc chôn cất, làm xong lễ “bỏ mả” cho người chết, mọi người tản ra thành nhiều hướng khác nhau để về làng, không ai được đi lại con đường lúc khiêng người chết đi chôn. Họ sợ rằng, linh hồn người chết, những “con ma rừng” có thể theo dấu chân, hơi thở người thân về bản làng và tai họa sẽ ập đến.
“Người Raglai rất sợ con ma rừng về làng. Nên đã đưa người chết về rừng ma, không ai dám tới quấy nhiễu nữa nếu không có việc gì. Để người chết không cô đơn, người thân sẽ tạc một cặp chim bằng gỗ cắm trên nóc nhà mồ”, già Âu chia sẻ.
“Chim ma” được tạc từ một loại cây gỗ rừng, có màu đen. Nhà mồ khi được dựng lên, phía đỉnh nóc nhà hai bên sẽ đâm thẳng lên hai cây trụ song song. Từ hai trụ này, mỗi bên treo một “chim ma” bằng những sợi dây rừng, hai chim hướng nhìn nhau, chập chờn trong những cơn gió.
Nói đến việc “chim ma” là chim gì? Chính những người Raglai nơi đây vẫn chưa thống nhất được. Có người nói đó là con Katơrau (chim cu) để gáy báo giờ giấc trong ngày.
Có người lại cho rằng “chim ma” là những loài chim mang đến xui xẻo theo quan niệm của người Raglai như: Quạ, cú mèo, diều hâu...
Rồi lại có nhận định đó là chim đen paly, được nhắc trong một truyền thuyết, loài chim nhỏ đã anh dũng kiên cường cùng dân làng tiêu diệt quỷ dữ...
Trong tâm thức người Raglai cho rằng, “chim ma” mang một thông điệp sâu xa, biểu tượng ý nghĩa muốn gửi gắm giữa người sống và người chết, là một nét đặc trưng, một bí ẩn khiến cho những cánh “chim ma” càng trở nên ma mị.
Người Raglai ở Ninh Thuận |
Khám phá “rừng ma”
Là một số ít trong những người Raglai không sợ “con ma rừng”, ông Cà Mau Viên, phó Chủ tịch UBND xã Ma Nới chấp thuận lời đề nghị dẫn khách miền xuôi “mục sở thị” một “rừng ma”.
Hiện chỉ còn thôn Tà Nôi cách biệt với xã chừng chục cây số, được bao bọc bởi những cánh rừng già là hầu như “nguyên sơ” theo tập tục lâu đời. “Hình thức về mồ mả, nghi lễ có thể rút gọn, có phần thay đổi nhưng nỗi sợ ma rừng của người Raglai chưa chuyển biến nhiều”, phó chủ tịch xã cho hay.
Ông Viên ra hiệu dừng lại khi đến bên con đường mòn nhỏ, bên vạt rừng um tùm. Trời đổ nắng về chiều. Len lỏi qua con đường mòn nhỏ xíu, lởm chởm những đá nhọn, chúng tôi tiến sâu vào khu rừng. Khi mồ hôi nhễ nhại, tiếng thở bắt đầu nặng nhọc vì mệt, cũng là lúc những nhà mồ lúp xúp thấp thoáng sau những rặng cây.
Có những nhà mồ hoang tàn vì thời gian, nhưng cũng có nấm mồ rất mới. Những nhà mồ không bia ghi danh, chỉ thấy những ché rượu, con dao, cái gùi… nằm lăn lóc dưới đất. Những nhà mồ nằm lộn xộn, không theo một trình tự nào, mà theo ông Viên, khu “rừng ma” này còn kéo dài hun hút vào sâu.
Ông Viên chỉ tay về phía đỉnh của một số nhà mồ xung quanh, nơi có hai trụ gỗ song song chĩa lên trời, cho biết cặp “chim ma” được cột dây trên đó, nhưng thời gian dài, mưa nắng làm mục dây, có lẽ chim đã rơi rớt. Quay qua một ngôi mộ mới, chưa dựng nhà mồ, ông Viên chỉ cho khách những biểu tượng được kết làm bằng loại cỏ tranh, cắm trên hai cây sào nơi hai đầu mộ.
Ông Cà Mau Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Nới bên một nhà mồ giữa “rừng ma”. |
Một biểu tượng ông cho rằng đó là tượng trưng cho căn nhà vì ngôi mộ chưa được người thân dựng nhà, một biểu tượng tượng trưng cho con ngựa, để linh hồn người chết có thể bỏ chạy khi thú dữ rượt đuổi.
“Rừng ma như là nghĩa trang của người Kinh. Chẳng qua người Raglai đem người chết chôn trên những cánh rừng, không có quy hoạch cụ thể, nên cảm giác âm u là chuyện thường. Do tâm linh, tín ngưỡng, đồng bào quá sợ “con ma rừng” khiến không ai dám xâm phạm rừng ma.
Từ đó, có những cái chết bất ngờ, chưa hiểu nguyên nhân liền được nhiều người liên tưởng, thêu dệt nên câu chuyện mơ hồ do ma rừng bắt. Đó là những chuyện không có căn cứ, thiếu cơ sở”, ông Viên đúc kết./.