Bí ẩn thi thể đặc biệt vẫn còn nguyên vẹn sau thời gian dài vùi lấp

(PLO) - Ngôi mộ đã tồn tại hàng trăm năm. Khi mảnh đất được giao cho một doanh nghiệp quản lý sử dụng, ngôi mộ bị khai quật. Thi thể trong mộ hàng trăm năm vẫn nguyên vẹn, bị những người khai quật bẻ quặt tay chân, gập đầu cố nhét cho được vào chiếc tiểu sành đem tới nơi khác chôn. 
Vị trí ngôi mộ nay đã được doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, bên ngoài vẫn còn nhiều ngôi mộ.
Vị trí ngôi mộ nay đã được doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, bên ngoài vẫn còn nhiều ngôi mộ.
Cổ mộ khu Ma Cỏ
Ngôi mộ vốn nằm ở khu Ma Cỏ của làng Thụy Trang (xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), thuộc diện tích đất đai của đình. Khu vực này có nhiều ngôi mộ tròn từ thời trước. Khác những ngôi mộ khác, ngôi mộ này có diện tích rộng hơn rất nhiều, gần 40 m2, sau này do người dân cơi nới đất làm ruộng nên khu mộ mới còn gần 20 m2. Cổ mộ thường được người dân gọi là mộ ông Quận.
Mảnh đất có mộ cổ sau đó được UBND tỉnh giao cho một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các loại máy móc nông nghiệp. Để tiếp quản mảnh đất phục vụ mục đích kinh doanh, doanh nghiệp đã làm theo ý nguyện của dân là di dời mộ tới nơi khác. 
Tuy nhiên, khi đào mộ này, thấy hệ thống bê tông bao quanh kiên cố, doanh nghiệp không đào nữa. Thấy ngôi mộ nằm chìm dưới đất cũng không gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, chủ doanh nghiệp đã cho dựng một cây hương thờ cúng. 
Thời gian sau, doanh nghiệp thuê người tới khai quật ngôi mộ trong đêm một cách bí mật, không cho dân làng biết dù họ có thể khai quật một cách công khai. Bởi vậy, sau khi sự việc bị vỡ lở, đã dấy lên nhiều tin đồn, khai quật bí mật như vậy là cho rằng ngôi mộ có của cải, vàng bạc, châu báu, nếu làm công khai sẽ phải chia chác cho nhiều người. 
Bà Nguyễn Thị Ngọc, bí thư thôn Thụy Trang cho hay, thông tin đào mộ cổ bị lộ ra bởi những người làm thuê trong cuộc đào mộ ấy. Khi đào mộ, ai nấy đều giật mình phát hiện thấy thi hài bên trong còn nguyên vẹn như người vừa mới được chôn cất. Thi hài được đặt trong một bể tinh dầu màu nâu, đặc sánh. Trên người quấn nhiều quần áo, chăn gối. Chân thi hài đi một đôi hài cao đến đầu gối. Người chết là một cụ ông, cao khoảng 1,60 m. Dù đã được chôn cất lâu nhưng bộ áo quan của thi hài vẫn rất chắc chắn và tỏa ra mùi đặc trưng của gỗ.
Cụ Tuyên, người đầu tiên phát hiện ra sự việc mộ cổ bị đào.
 Cụ Tuyên, người đầu tiên phát hiện ra sự việc mộ cổ bị đào.
Một người cho rằng, do thi hài do còn nguyên vẹn nên khi chuyển sang chiếc tiểu sành, những người đem đi chôn cất đã bẻ quặt tay, gập chân, gập đầu thi hài lại để cố nhét cho vừa tiểu sành. Trong khi thi hài được chuyển sang một ngôi mộ đã được xây sẵn ở cách đó không xa, những đồ tùy táng cũng như chiếc áo quan cũ đều được mang đi tẩu tán. “Ngoài việc người được thuê làm lộ thông tin, thì vụ việc được người dân phát hiện khi thấy quần áo, hài của người chết bị vứt xuống mương. Người dân vớt mang đồ về đình, yêu cầu chủ doanh nghiệp đến đình giải trình với dân làng”, bà Ngọc nhớ lại.
Tại đình, trước sự bức xúc truy vấn của các bậc cao niên trong làng, chủ doanh nghiệp đã thừa nhận hành vi, tỏ ra ăn năn hối lỗi về việc làm trên, đồng thời cũng xin “rước cụ” về nằm đúng vị trí ban đầu. 
Doanh nghiệp và người dân không thống nhất được việc này. Doanh nghiệp muốn đưa thi hài về xây lại “ngôi nhà” gọn gàng, đẹp đẽ và họ sẽ chịu trách nhiệm hương khói. Nhưng ý người dân là ngoài việc xây mộ, còn muốn mở một con đường vào mộ để dân tới thăm viếng. Cuối cùng, doanh nghiệp mua một mảnh ruộng làm nơi chôn cất.
Người phá mộ sợ mất ăn mất ngủ
Chia tay bà Ngọc, chúng tôi được ông Đỗ Văn Vẻ, trưởng thôn Thụy Trang dẫn tới nhà cụ Đỗ Văn Tuyên (84 tuổi), một cao niên trong thôn, đồng thời cũng là cụ từ trông nom đình làng nhiều năm. Cụ Tuyên chính là một trong những người phát hiện ra vụ phá mộ đầu tiên. Một lần qua làng bên chơi, cụ nghe người làng đó nói phong thanh việc thôn mình xảy ra vụ đào mộ cổ trong đêm. Sau khi hỏi rõ đầu đuôi ngọn ngành, cụ Tuyên về, ra khu mộ, quả nhiên thấy mộ đã bị đào.
Ngoài việc “âm thầm” đào mộ, việc người đào mộ bẻ tay, bẻ chân thi hài cũng khiến cụ Tuyên vô cùng bức xúc. Theo lời kể của cụ, khi sự việc bị phát hiện, một trong những người được thuê đào mộ đã quay lại “khai nhận”. Đó là ông Sinh, một người chuyên đi bốc mộ thuê (không rõ quê quán), bị ám ảnh bởi xác ướp trong áo quan mà ngày đêm mất ăn mất ngủ. 
“Kể lại với dân làng, ông Sinh cho biết, vào khoảng cuối tháng 11/2007 (âm lịch), ông ta cùng gần chục người được chủ doanh nghiệp thuê đào mộ. Trước khi thuê nhóm người ông Sinh đào, người chủ này từng thuê người ở thôn Thụy Trang nhưng trong quá trình đào thấy mộ kiên cố, những người kia chủ yếu dùng dụng cụ thủ công nên không quật được mộ lên, đành bỏ cuộc. 
Đến khi nhóm ông Sinh được thuê, ngoài việc chuẩn bị xà beng, cuốc, xẻng họ đã phải dùng máy khoan, máy cẩu để quật mộ. Phải mất 2 ngày 1 đêm, họ mới bật được nắp mộ là một khối hỗn hợp cứng, rắn như bê tông ra. Bên dưới là một bể xây dựng công phu, trong có chứa chiếc quan tài lớn với những bức tường dày đến cả nửa mét. Phải rất khó khăn, họ mới luồn được dây thép vào, dùng cần cẩu để nhấc chiếc quan tài ra”, cụ Tuyên kể lại.
Chiếc áo quan hiện nay vẫn được lưu giữ ở nhà tang lễ của thôn.
 Chiếc áo quan hiện nay vẫn được lưu giữ ở nhà tang lễ của thôn.
Khi bật nắp quan tài ra, thấy thi thể bên trong còn nguyên vẹn, ai cũng hoảng sợ. Nhưng chợt nảy ra ý nghĩ rằng bên trong sẽ có kho báu, nên gạt sợ hãi qua một bên, nhóm ông Sinh thi nhau mò mẫm, lục tung mọi thứ trong quan tài, xé tan quần áo của thi hài. “Tuy nhiên, việc tìm được châu báu hay không không có ai nói lại. Thi hài sau đó được cho vào tiểu sành và mang đến nơi khác để chôn cất”, cụ Tuyên tiếp lời.
Có điều lạ khiến người đàn ông có thâm niên chuyên đi bốc mộ thuê phải sợ hãi, ám ảnh, rợn người. Đó là những ngày sau đó ông này liên tục gặp ác mộng. “Ông ta cho dân làng hay, mỗi lần chợp mắt đều thấy một người đàn ông ăn mặc như một vị quan lớn, vẻ mặt dữ tợn “dọa” cho khiếp sợ không tài nào ngủ nổi. Không riêng gì ông Sinh mà những người khác trong cuộc đào mộ ấy cũng gặp tình trạng tương tự”, cụ Tuyên kể lại./.

Đọc thêm