Những ý kiến bất ngờ
Sau khi bức tâm thư của ông Trịnh Hồng Sơn được đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông, không chỉ đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức (gọi tắt là BV Việt-Đức) cảm thấy bất ngờ mà dư luận cũng xôn xao suốt những ngày qua.
Ghi nhận tại các khu vực khám chữa của bệnh viện này, từ người nhà cho đến bệnh nhân liên tiếp có những câu chuyện xung quanh vấn đề này, mọi người đều bàn tán về việc vì sao lại có sự điều chuyển bất ngờ như vậy?
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thế Anh (Phó trưởng Khoa Ung bướu - BV Việt-Đức) cho biết, khi biết được thông tin về việc ông Sơn được đề xuất chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô làm Giám đốc, cá nhân ông và nhiều cán bộ, y bác sĩ tại BV Việt-Đức cảm thấy vô cùng bất ngờ, nói đúng hơn là sốc...
Không chỉ riêng ông Phạm Thế Anh bày tỏ sự bất ngờ cũng như nguyện vọng về việc muốn GS.TS Trịnh Hồng Sơn ở lại BV Việt-Đức, bên cạnh đó còn rất nhiều cán bộ, y bác sĩ của các khoa trong đơn vị này có chung quan điểm.
Là một trong những người đã có nhiều năm công tác tại BV Việt-Đức, trực tiếp làm việc với ông Trịnh Hồng Sơn trong rất nhiều công việc khác nhau, ông Phạm Thế Anh cho biết: “Để tìm được một người vừa giỏi về chuyên môn, có kinh nghiệm trong quản lý như GS.TS Trịnh Hồng Sơn là không phải là dễ dàng.
Hơn nữa, với một người đã gắn bó với BV Việt-Đức tới hơn 30 năm, đảm trách nhiều vị trí khác nhau thì không cần phải bàn cãi về vấn đề kinh nghiệm quản lý và am hiểu đối với BV Việt-Đức...”.
Bày tỏ về quan điểm của mình, ông Thế Anh cũng khẳng định, cá nhân mình đã viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ nguyện vọng, mong muốn của mình. Thư cũng đã được chuyển qua đường công văn vào ngày 13/8/2016. Cá nhân vị bác sĩ này bày tỏ thẳng thắn, GS.TS Trịnh Hồng Sơn là người có đầy đủ những yếu tố cần thiết để đảm trách công việc tại BV Việt-Đức.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân ghép tạng tại BV Việt Đức |
Một cán bộ thuộc Phòng Tổng hợp bày tỏ: "Trong quá trình làm việc, chúng tôi được anh Sơn chỉ bảo rất nhiều về những phương pháp quản lý, thực hiện công việc hiện tại, cá nhân tôi cảm thấy phương pháp quản lý đó hết sức hiệu quả nhưng nay việc điều chuyển được đưa ra nên anh em trong phòng cảm thấy thật sự lo lắng vì có nhiều kế hoạch đổi mới đang được Phó Giám đốc Sơn thúc đẩy thực hiện...".
Quá trình tiếp xúc với nhiều cán bộ, y bác sĩ tại BV Việt-Đức, phóng viên ghi nhận việc mọi người đều khẳng định GS.TS Trịnh Hồng Sơn giỏi về chuyên môn, còn về góc độ quản lý, ông Sơn cũng tỏ rõ được những khả năng vượt trội của mình khi mà luôn khiến cho tất cả đội ngũ cán bộ, nhân viên của BV Việt-Đức làm việc với sự tâm huyết cao nhất và luôn đạt được hiệu quả rất cao.
Ông Sơn cũng là một trong những người đi đầu trong công tác lưu giữ bệnh án và mẫu phẩm bệnh án. Đối với những người làm việc trong nghành y, bệnh án "quý như vàng", ảnh hưởng trực tiếp tới việc chữa trị cũng như phác đồ điều trị cho nhiều bệnh nhân tiếp theo.
Chân dung về "người trong tâm điểm"
Được biết, GS.TS Trịnh Hồng Sơn sinh năm 1962 tại Hà Nội, hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia; là thành viên chính thức của Hội Phẫu thuật Pháp. Theo quy định thì chức hiện tại của ông Sơn tương đương với vị trí Giám đốc bệnh viện cấp Trung ương.
Là chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước; là thành viên của nhiều hội đồng chuyên môn. GS.TS Trịnh Hồng Sơn là chủ nhiệm đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước "Nghiên cứu ứng dụng quy trình chẩn đoán và điều trị một số bệnh ngoại khoa đường tiêu hóa thường gặp cho các tỉnh biên giới và miền núi phía Bắc", đề tài đã nghiệm thu tháng 12/2012, được đánh giá là xuất sắc.
Đề tài đã được Hội đồng KHCN cấp Nhà nước đánh giá: “Chất lượng và trình độ khoa học của sản phẩm đã vượt mức so với đăng ký, có ý nghĩa lớn và ứng dụng thực tế cao đồng thời có ý nghĩa lớn với an ninh, quốc phòng. Đề tài có tác động lớn không những với ngành y tế mà còn tác động lớn đối với xã hội, môi trường”.
Giới y học đánh giá đề tài này là một cuộc cách mạng đối với việc giải phẫu tại bệnh viện tuyến địa phương khi mà trình độ nhân sự cũng như cơ sở hạ tầng đã được nâng lên rất nhiều, giảm tải trực tiếp cho các Bệnh viện tuyến Trung ương.
Ông đã thực hiện hàng vạn ca mổ, cùng với đó có hàng vạn bệnh nhân được cứu sống, mang ơn suốt đời, xem ông như người sinh ra mình lần thứ hai. Từng nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế; Huân chương Lao động hạng Ba; danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, cùng nhiều danh hiệu cao quý khác...
Theo tìm hiểu được biết, một trong những chương trình, đề tài được đánh giá rất cao do GS.TS Trịnh Hồng Sơn chủ trì nằm trong chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến về giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương là đề tài “Nghiên cứu ứng dụng quy trình chẩn đoán và điều trị một số bệnh Ngoại khoa đường tiêu hóa thường gặp cho các tỉnh biên giới và miền núi phía Bắc”.
Đề tài cấp nhà nước này nhằm đào tạo, nâng cao năng lực xử lý các bệnh Ngoại khoa đường tiêu hóa thường gặp tại 12 tỉnh biên giới và miền núi phía Bắc gồm: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Yên Bái, Bắc Giang, Lào Cai).
Bệnh nhân được ghép tim đã ổn định |
Nhận thấy hoạt động giải phẫu bệnh rất quan trọng, giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác, tiên lượng được tình trạng bệnh để có hướng điều trị đúng, nhưng lại không được tuyến dưới coi trọng nên hầu như chưa có, GS.TS Trịnh Hồng Sơn quyết định tập trung hỗ trợ cho các bệnh viện từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nhân lực cho phát triển giải phẫu bệnh.
Chính vì xác định đúng hướng, chỉ một thời gian ngắn, hoạt động giải phẫu bệnh ở bệnh viện đa khoa của 12 tỉnh biên giới đã phát triển mạnh, phục vụ hữu ích việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Với qui trình chuẩn, giải phẫu bệnh phát triển ở các bệnh viện địa phương đem lại lợi ích cho cả người bệnh lẫn thầy thuốc, khi các số liệu đủ tin cậy để tiến hành các đề tài nghiên cứu khoa học.
Nhờ cách làm việc khoa học, sáng tạo, thiết thực, việc chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tỉnh biên giới của GS.TS Trịnh Hồng Sơn và các đồng nghiệp đã mang lại kết quả không hề nhỏ: Chỉ riêng với công trình chuyển giao kỹ thuật 9 bệnh ngoại khoa tiêu hóa thường gặp như viêm ruột thừa, sỏi mật, ung thư dạ dày, ung thư trực tràng... đã tiết kiệm hơn 4 tỷ đồng. Nhưng, với GS.TS Trịnh Hồng Sơn, “quan trọng hơn là giúp người dân nghèo ở đây được chữa trị kịp thời”.
Thông tin từ nhiều cán bộ, y bác sĩ tại BV Việt-Đức cho biết, hiện tại GS.TS Trịnh Hồng Sơn luôn chú trọng tới công tác đào tạo nội trú. Đây là hạng mục công việc GS.TS Trịnh Hồng Sơn đã trực tiếp và gián tiếp tham gia từ thời gian đầu phục vụ trong ngành.
Chương trình đào tạo bác sĩ nội trú là chương trình đào tạo rất quan trọng để giúp cho các bác sĩ mới ra trường có thể làm quen được với thực tiễn, trưởng thành về chuyên môn trong điều kiện thực tế. Thực tiễn nhiều năm qua, một đội ngũ đông đảo các bác sĩ đã được đào tạo theo mô hình này và hiện tại đang giữ trọng trách ở nhiều cơ sở y tế tuyến địa phương cho đến Trung ương.
Được biết, vị Phó Giám đốc BV Việt-Đức cũng vẫn nhiệt tình cống hiến công sức cho mục đích phát triển đơn vị này trở thành một bệnh viện - đại học (Hospital University) toàn diện từ việc chữa trị cho bệnh nhân, nghiên cứu khoa học và tổ chức đào tạo tại chỗ cho đội ngũ y bác sĩ mới ra trường.
Chương trình này đang nhận được sự ủng hộ của rất nhiều cán bộ, y bác sĩ của BV Việt-Đức nói riêng và của ngành y học nói chung. Chính vì vậy, quyết định điều chuyển nhận nhiệm vụ vừa qua đã gây sốc cho không chỉ riêng vị GS.TS này mà còn một bộ phận lớn những người đã, đang thực hiện và thừa hưởng thành quả chung của những chương trình, dự án ông đang dốc tâm thực hiện.