Tuy nhiên, các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc (TQ) chủ yếu là các sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp… Báo cáo “Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam (VN) - TQ 2012-2014: Thực trạng và xu hướng” do Tổ chức Forest Trends phối hợp với VIFORES, FPA Bình Định và HAWA soạn thảo vừa được công bố ngày hôm qua (15/9).
“Ăn xổi…”
Số liệu của Tổng cục Hải quan VN cho thấy, trong 3 năm qua (2012-2014), giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của VN vào TQ luôn đứng ở một trong ba vị trí cao nhất. Năm 2013 VN thu được 960,4 triệu USD từ xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang TQ. Mặc dù có sự sụt giảm so với năm 2013, kim ngạch năm 2014 đạt khoảng 845,1 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2015, các mặt hàng gỗ của VN đã đạt kim ngạch trên 425 triệu USD từ thị trường.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, trong số kim ngạch hơn 900 triệu USD xuất khẩu gỗ hàng năm sang TQ thì gỗ thô chiếm trên 700 triệu USD, các sản phẩm tinh chế rất ít, chủ yếu sử dụng gỗ quý hiếm. Ngược lại, VN nhập khẩu sản phẩm gỗ từ TQ với giá trị kim ngạch khá khiêm tốn: gần 240 triệu USD năm 2014 và gần 121 triệu USD trong 6 tháng đầu 2015. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu gỗ dán, ván sợi, ván dăm, vơ nia và đồ gỗ.
Đáng chú ý, số liệu thống kê cho thấy năm 2014 VN xuất khẩu hơn 250 nghìn mét khối ván bóc sang TQ chỉ với giá trị 17 triệu USD, nhưng lại nhập về 202 nghìn mét khối gỗ dán với giá trị hơn 84 triệu USD. Một hộ sản xuất gỗ băn khoăn là tại sao thay vì xuất sang TQ, các DN VN không tiêu thụ trong nước, nhưng không có câu trả lời.
“Trong bối cảnh nguồn nguyên liệu gỗ ngày càng cạn kiệt, hình thức xuất khẩu hiện tại phản ánh những ưu tiên ngắn hạn, vì lợi ích trước mắt, dựa vào khai thác tài nguyên thô và lao động giá rẻ, sử dụng công nghệ chế biến lạc hậu của một số DN tham gia thị trường. Điều này thể hiện sự yếu kém của ngành gỗ VN khi tham gia vào thương mại các mặt hàng gỗ với TQ. Nó cũng phản ánh tính không bền vững của ngành gỗ hiện nay…”- ông Tô Xuân Phúc, tổ chức Forest Trends, đại diện nhóm nghiên cứu cảnh báo.
Chênh lệch số liệu - do thống kê hay gian lận?
Chênh lệch số liệu thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Hải quan VN và Hải quan TQ đã làm nóng nghị trường tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Là một trong những nhóm hàng hóa quan trọng nhất trong thương mại song phương giữa VN và TQ, gỗ và sản phẩm gỗ cũng không phải ngoại lệ.
Báo cáo chỉ ra sự chênh lệch rất lớn về kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ giữa 2 nguồn số liệu thống kê từ Hải quan TQ và Hải quan VN. So với năm 2012, con số chênh lệch năm 2013 cao hơn gấp 1,5 lần (từ 125 triệu USD lên 184 triệu USD). Tuy nhiên, con số chênh lệch sau đó tăng vọt, khoảng 3,2 lần, ở mức 184 triệu USD (năm 2013) lên gần 600 triệu USD năm 2014.
Nếu con số được thống kê bởi cơ quan Hải quan chưa bao gồm chi phí về vận chuyển và bảo hiểm thì với 6,6% về chi phí vận chuyển và bảo hiểm (theo Đại biểu Quốc hội, TS Mai Hữu Tín, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội) không thể giải thích sự chênh lệch tới hàng trăm triệu USD trong thương mại các mặt hàng gỗ VN và TQ.
TS Tô Xuân Phúc và cộng sự cho rằng, đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy một số DN tham gia thương mại các mặt hàng gỗ với TQ kê khai giá xuất khẩu thấp hơn giá nguyên liệu đầu vào nhằm trốn/giảm thuế.
“Gian lận thương mại bao gồm cả trốn thuế là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt lớn giữa 2 nguồn dữ liệu thống kê. Tuy nhiên, hiện chưa có đủ thông tin để có thể đánh giá về vai trò của gian lận thương mại trong cơ cấu chênh lệch về giá trị xuất nhập khẩu giữa 2 quốc gia...”- ông Phúc nhận định.
Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Đồng Kỵ Vũ Quốc Vương chia sẻ: DN nào cũng mong muốn giảm được thuế, mặt khác khi làm việc với đối tác TQ, họ mua hàng, trả tiền trực tiếp tại Đồng Kỵ nhưng vận chuyển thì lại do đơn vị khác, họ tính theo khối lượng và có thể nhận tiền tại TQ nên số liệu vênh. “Giá trị thực tế không thể hiện qua số liệu hải quan, hải quan chỉ tính giá trị trên giấy tờ. Ví dụ bán 1 bộ bàn ghế hàng trăm triệu nhưng thực tế hóa đơn chỉ 14- 15 triệu…”- ông Vương cho biết.
Theo TS. Phúc, con số khai báo về giá trị và lượng xuất khẩu khác với giá trị thực của sản phẩm làm “méo mó” hình ảnh của thị trường và điều này mang đến một số hệ lụy, từ khía cạnh quản lý cũng như gây ra sự thất thu cho ngân sách do gian lận.