Bất thường quanh một dự án tại TP.Vinh

Khi tiến hành đền bù, tái định cư cho các hộ dân của một dự án tại phường Bến Thủy, TP.Vinh (Nghệ An), nhiều hộ dân cùng chung cảnh ngộ nhưng người được đền bù, người không. Dư luận cho rằng sự không công bằng này tạo cớ chậm bàn giao mặt bằng để khỏi bị thu hồi khi chủ đầu tư chưa đủ điều kiện triển khai dự án?

Khi tiến hành đền bù, tái định cư cho các hộ dân của một dự án tại phường Bến Thủy, TP.Vinh (Nghệ An), nhiều hộ dân cùng chung cảnh ngộ nhưng người được đền bù, người không. Dư luận cho rằng sự không công bằng này tạo cớ chậm bàn giao mặt bằng để khỏi bị thu hồi khi chủ đầu tư chưa đủ điều kiện triển khai dự án?

Không công bằng

Theo đơn của các hộ dân tại phường Bến Thủy, TP. Vinh gửi báo PLVN: Năm 2007, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho dự án của Cty CP Thương mại dịch vụ khách sạn Hùng Hồng (Cty Hùng Hồng). Ngày 1/10/2008, UBND TP.Vinh có Quyết định số 6233 phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) cho các hộ dân.

Nhà của những hộ dân nằm mặt tiền khu đất của dự án Cty Hùng hồng không được đền bù

Tìm hiểu 2 dự án thu hồi đất của khu tập thể Nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan (Dự án của Cty Xăng dầu, Dự án của Cty Hùng Hồng) trong số 41 hộ thì có tới 15 hộ sử dụng các khoảng đất còn trống của khu tập thể tự xây nhà để ở trước ngày 15/10/1993. Ông Trần Huy Hường, nguyên cán bộ hành chính của Nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan cho biết: “Đây là chủ trương chung của nhà máy, việc cho 15 người công nhân sử dụng đất của khu tập thể để tự xây dựng là có thật bởi lúc đó nhà máy không có điều kiện xây nhà ở cho công nhân”.

Thế nhưng, không biết vì lý do gì mà trong 15 hộ dân nêu trên, 11 hộ được đền bù TĐC còn 4 hộ khác gồm các ông Nguyễn Hữu Nam, Phan Đức, Trần Quốc Tú và bà Trần Thị Lan có nhà mặt tiền của khu đất thuộc dự án của Cty Hùng Hồng lại không được đền bù, TĐC. Do nguồn gốc nhà được xây trước thời điểm 15/10/1993, nên 4 hộ dân cho rằng họ thuộc diện được đền bù, TĐC theo quy định của Luật Đất đai 2003.

Chưa hết, bà Trần Thị Lan cho biết, năm 2002, bà bán một phần nhà cho ông Nguyễn Quang Đông (không phải là công nhân nhà máy) và một bức tường được xây lên ngăn cách 2 nhà. Trong khi ông Đông được đền bù gần 140 triệu đồng và một suất đất TĐC, thì nhà bà Lan lại không. Trao đổi với PLVN, ông Đông cho biết đã mua lại phần nhà của bà Lan và ông chỉ “xuất trình” cho những người giải quyết đền bù một giấy viết tay thể hiện bà Lan bán nhà chứ không có bất cứ giấy tờ gì khác và được hưởng đền bù, TĐC.

Về phần mình, ông Nguyễn Hữu Nam bức xúc: “Nói tôi không ở liên tục để không xét đền bù là vô lý, thực tế tôi chỉ cho em tôi ở nhờ nên khu đất này chưa bao giờ bỏ hoang. Điều nữa là mặc dù tôi vẫn ở nhà nhưng biên bản kiểm tra hiện trang nhà ở lại ghi gia đình đi vắng”.

Thiếu minh bạch

Được biết, năm 2010, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.Vinh lập dự thảo phương án đền bù bổ sung cho hai hộ Trần Thị Lan và Nguyễn Hữu Nam. Nhưng sau đó Cty Hùng Hồng kiến nghị không đồng ý. Ngay giữa cuộc đối thoại với dân, các ban, ngành đã không thống nhất một số quan điểm như việc các hộ dân vi phạm quy hoạch hay không vi phạm, như thế nào mới xác định ở liên tục hay không liên tục đất...?

Sau khi có Báo cáo của thanh tra, ngày 28/6/2011, UBND TP.Vinh ra Quyết định số 3233 xử lý đơn kiến nghị của Cty Hùng Hồng “Giữ nguyên phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Cty Hùng Hồng của Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng TP.Vinh thành lập ngày 20/8/2008 đã được phê duyệt”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao khi dân khiếu nại thì chính quyền “phớt lờ”, còn DN kiến nghị thì chính quyền vào cuộc? Trước phản ứng của các hộ dân, ngày 22/12/2011, UBND TP.Vinh ra Quyết định số 6977 giao Thanh tra TP tham mưu giải quyết đơn thư của công dân.

Tuy nhiên, chưa hết thời hạn tham mưu theo Quyết định 6977 thì ngày 6/1/2012, UBND TP.Vinh đã ra quyết định cưỡng chế đối với 4 hộ dân. Khôi hài hơn, ngày 6/1 UBND TP.Vinh ra quyết định cưỡng chế nhưng đến ngày 13/2, cơ quan này lại mời các hộ dân về nhà riêng để kiểm tra hiện trạng nhà ở và diện tích đất ở.

Chính quyền đã vậy, DN cũng không kém khi ngày 26/10/2011, Cty Hùng Hồng chưa được bàn giao mặt bằng đã “tự ý” cho máy vào phá và lấy đi cổng sắt cổng vào khu tập thể Nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan. Theo người dân, lần phá cổng khu tâp thể trùng ngày nghỉ Tết Dương lịch và có sự xuất hiện của một số cán bộ cơ quan chức năng TP Vinh.

Việc đập phá tài sản của khu tập thể khi chưa đền bù khiến người dân bức xúc, vì thế mà nhà riêng của Giám đốc Cty Hùng Hồng đã bị một số người đến đòi dập phá, chỉ đến khi các cơ quan chức năng ngăn chặn thì tình trạng này mới chấm dứt.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Nghệ An cần có chỉ đạo kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc và khiếu kiện kéo dài.

Theo ông Nam, việc UBND TP.Vinh không ra quyết định giải quyết khiếu nại của người dân, được ông Tý - Chánh Thanh tra TP.Vinh - trả lời là do có sự chỉ đạo của Thành ủy Vinh. Tuy nhiên, ông Chánh Thanh tra không thừa nhận ông đã nói vấn đề này.

Nhóm PV Bắc Miền Trung
 




 
 

Đọc thêm