Dấu hiệu áp đặt ngay từ khi tiếp nhận tin tố giác?
Theo Cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng nên khoảng 20h ngày 31/12/2014, Lê Ngọc Lê đã dùng súng (loại súng tự chế, dạng ổ quay) bắn chồng là anh Trương Hữu Tiến khi anh này vừa đi làm về nhà (số nhà 671 Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm). Do không bị trúng đạn nên anh Tiến lao vào Lê, Lê liền giơ súng bắn tiếp một phát nữa nhưng đạn không nổ.
Hai bên vật lộn nhau thì cháu Trương Tiến Sơn (con anh Tiến và Lê) từ tầng 2 chạy xuống, mở cửa ra ngoài tìm người giúp đỡ. Lúc này, anh Tiến chạy ra ngoài và đến Công an phường Chương Dương trình báo.
Giám định kết luận khẩu súng thu được tại hiện trường có thể gây sát thương (chết hoặc bị thương) nếu bắn ở khoảng cách đến 10m. Chính vì vậy, Lê đã bị truy tố về tội “Giết người” mà bị hại trong vụ án chính là chồng Lê.
Tuy nhiên, điều khó hiểu ở chỗ, ngay từ khi ghi lời khai vào đêm 31/12/2014 thì anh Tiến đã được Công an phường Chương Dương xác định tư cách là “bị hại”. Trong khi đó, tuy đến trình báo trước chồng 15 phút, với vết thương chảy máu trên đầu và cho biết mình đã bị con trai Trương Tiến Sơn dùng súng bắn nhưng Lê lại được công an xác định là “người liên quan”.
Khi chỉ mới vừa tiếp nhận lời khai của hai vợ chồng anh Tiến (lời khai mâu thuẫn nhau và chưa có nhân chứng, chưa xem xét hiện trường, chưa thu giữ vật chứng...), căn cứ vào đâu Công an phường Chương Dương lại xác định anh Tiến là “bị hại”? Còn người bị thương lại là “người liên quan”?
Theo Luật sư Lê Đình Việt (Cty Luật TNHH Minh Tín) thì quan điểm áp đặt ngay từ đầu (cho rằng anh Tiến là bị hại) này chứng tỏ định hướng điều tra ban đầu đã thiếu khách quan, ảnh hưởng đến quá trình xác định sự thật của vụ án.
Bất ngờ “tự thú” sau khi được điều tra viên “vận động”
Trong nhiều lần lấy lời khai vào các ngày 1-2-3/1/2015, Lê đều khai rằng, khi đang nằm xem ti vi ở tầng 1 thì anh Tiến về nhà và gọi “Sơn ơi! Cầm cái ấy xuống làm đi”. Tiếp theo, Sơn đi từ tầng 2 xuống, đứng ở bậc thang cầm súng bắn về phía Lê.
Lê (vốn bị bệnh tim bẩm sinh) sợ quá nên ngất đi. Khi tỉnh lại thì nghe thấy tiếng anh Tiến hỏi con “nó chết chưa?”. Sơn trả lời: “chết rồi, thấy nằm im, máu ra nhiều”... Lê liền nằm im giả vờ chết và cầm máy điện thoại nhắn tin cầu cứu cho cho Phó Trưởng Công an phường Chương Dương. Sau đó, Lê thấy cửa mở liền vùng dậy chạy ra khỏi nhà, đến Công an phường Chương Dương trình báo.
Tuy nhiên, đến đêm 3/1/2015 thì Lê có lời khai và viết “đơn tự thú” khai nhận việc mình đã cầm súng (mua ở Tân Thanh, Lạng Sơn) bắn dọa anh Tiến. Sau đó, Lê bị anh Tiến dùng tuýp nước bằng sắt đánh vào đầu. Lê liền bắn phát thứ hai lên trần nhà nhưng đạn không nổ nên đã vứt súng xuống nền nhà. Đến ngày 5/1, khi thực nghiệm điều tra, Lê đã diễn tả hành động như lời tự thú trên.
Ngày 9/1, Lê bị khởi tố bị can về tội “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” và 5 tháng sau thì bị khởi tố bổ sung về tội “Giết người”.
Tuy nhiên, ngay từ ngày 12/1/2015, khi nhận quyết định khởi tố bị can thì Lê đã phản cung, không thừa nhận cầm súng bắn chồng và khẳng định việc khai nhận tội là do được Điều tra viên (ĐTV) Nguyễn Trường Linh (CQĐT Công an quận Hoàn Kiếm) khuyên nên nhận lỗi về mình để cho chồng, con thoát tội. Chính vì vậy, Lê đã nhận mình là người tàng trữ và bắn súng.
Đáng nói, khi làm việc với VKSND TP Hà Nội thì ĐTV Nguyễn Trường Linh đã thừa nhận, ngày 3/1/2015, Lê được ra viện và đến Công an quận Hoàn Kiếm làm việc. Tại đây, ông Linh đã “vận động, thuyết phục” Lê nhận hành vi dùng súng bắn chồng.
Không hiểu việc “vận động, thuyết phục” của ĐTV ra sao nhưng hiện nay, Lê vẫn khẳng định đã bị “dụ cung, ép cung”. Ngoài ra, bị can này còn cho biết, từ chiều 2/1, Lê đã được Công an phường Chương Dương đưa thẳng từ bệnh viện về trụ sở lấy lời khai, làm việc liên tục cho đến chiều 3/1 thì tiếp tục bị đưa đến Công an quận Hoàn Kiếm. Cho đến 21h45 ngày 3/1 thì Lê vẫn được ĐTV lấy lời khai với tư cách là “người liên quan”. Đến 23h cùng ngày thì Cơ quan CSĐT mới ra Quyết định tạm giữ (thời hạn 3 ngày) đối với Lê.
Với diễn biến trên, LS Việt cho rằng, việc Lê bị tạm giữ trái luật (từ chiều 2/1 đến đêm 3/1) như trên thì không thể nói Lê đã “tự nguyện” đến công an quận Hoàn Kiếm viết “đơn tự thú”.
Như vậy, trong suốt quá trình từ khi xảy ra vụ việc cho đến nay, Lê chỉ “nhận tội” tại một số lời khai từ đêm 3/1 đến 5/1/2015. Còn tất cả lời khác, Lê đều khẳng định mình không hề dùng súng bắn chồng, không có việc mua súng ở Cửa khẩu Tân Thanh như đã khai nhận.
Đối chiếu với lời khai này và các chứng cứ khác, LS Việt khẳng định chứng cứ kết tội Lê đang có rất nhiều mâu thuẫn, có dấu hiệu oan sai.
Điều tra viên “giữ hộ” tiền của bị can, không đưa vào hồ sơ
Theo tố cáo của Lê, khi bị đưa vào nhà tạm giữ Công an quận Hoàn Kiếm vào đêm 3/1/2015, Lê đã bị ĐTV Nguyễn Trường Linh thu giữ một chiếc cặp da, trong đó có một số tiền, giấy tờ và đồ trang sức.
Khi làm việc với VKSND TP Hà Nội về tố cáo trên, ông Linh cho rằng mình không hề thu giữ cặp da, giấy tờ hoặc đồ trang sức của Lê. Tuy nhiên, ông Linh thừa nhận có việc đã được Lê “gửi lại” 12,8 triệu đồng vì theo đề nghị của Lê thì số tiền này trả lại cho Chi hội phụ nữ số 5, phường Chương Dương. Do đó, ông Linh đã mời đại diện Chi hội phụ nữ số 5 lên nhận số tiền này có sự chứng kiến của Lê. Việc này có lập biên bản nhưng ông Linh “chưa đưa vào hồ sơ vụ án”.