Báu vật vô giá chốn đại ngàn

(PLVN) -  Thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng, là biểu hiện của tín ngưỡng, là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên. Âm thanh cồng chiêng khi ngân nga sâu lắng, lúc lại thôi thúc, trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên.

Không gian văn hóa cồng chiêng

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải rộng khắp 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ nhân của di sản văn hóa quý giá và đặc sắc này là 17 dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á và Nam đảo, sống trên khu vực cao nguyên Trung bộ của Việt Nam.

Cộng đồng cư dân khắp Tây Nguyên chủ yếu sống bằng canh tác nông nghiệp truyền thống. Họ đã phát triển nhiều loại hình nghề thủ công, sáng tạo ra nhiều phong cách trang trí và các kiểu nhà ở truyền thống độc đáo của mình. Tín ngưỡng chủ đạo của cư dân nơi đây xuất phát từ tục thờ cúng tổ tiên, shaman giáo và thờ cúng vật linh.

Gắn bó mật thiết với cuộc sống hằng ngày của cư dân và chu kỳ các mùa trong năm, những tín ngưỡng này hình thành nên một thế giới thần bí, nơi mà những chiếc cồng chiêng là chiếc cầu nối thông linh giữa con người, thần linh và thế giới siêu nhiên. Chứa đựng bên trong mỗi chiếc chiêng, chiếc cồng là một vị thần.

Có giả thuyết cho rằng văn hóa cồng chiêng bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn, là nền văn hóa đồng thau xuất hiện tại Đông Nam Á. Cồng chiêng của Việt Nam rất đặc trưng so với cồng chiêng ở những khu vực khác do tính cộng đồng rất cao. Điều này thể hiện ở việc mỗi nhạc công đánh một chiếc.

Từng thành viên trong dàn nhạc nhớ rõ từng tiết tấu của từng bài chiêng trong mỗi nghi lễ và kết hợp hài hòa với các nhạc công khác cùng chơi. Tùy theo từng nhóm dân tộc, cồng chiêng được đánh bằng dùi hoặc bằng tay; Mỗi dàn cồng chiêng có khoảng từ 2 đến 13 chiếc có đường kính dao động từ 25 đến 120 cm.

Ở Tây Nguyên đã có lúc, gần như nhà nào cũng có cồng chiêng, thậm chí có gia đình có tới vài bộ. Điều này thể hiện sự giàu có và quyền thế, đồng thời cũng là vật che chắn, bảo vệ cho gia đình.

Bao đời nay, cồng chiêng gắn với Tây Nguyên như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người. Tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng: Từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới xin, lễ tiễn đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả cho đến lễ cúng máng nước, mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà rông mới...

Diễn tấu cồng chiêng.

Tiếng chiêng dài hơn đời người, tiếng chiêng nối liền, kết nối những thế hệ lại với nhau. Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có.

Đã có thời một chiếc chiêng giá trị bằng hai con voi hoặc 20 con trâu. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên.

Báu vật nơi đại ngàn

Nhiều chuyên gia nghiên cứu về lịch sử cồng chiêng ở Tây Nguyên cho rằng, cồng chiêng Tây Nguyên là cái nôi của cồng chiêng Đông - Nam Á. Xét về cội nguồn, cồng chiêng là “hậu duệ” của đàn đá – trước khi có văn hóa đồ đồng. Người xưa đã tìm đến loại khí cụ đá theo “quy trình tiến hóa” cồng đá, chiêng đá, chiêng che rồi mới tới cồng đồng, chiêng đồng mà ngày nay chúng ta vẫn thường thấy.

Cồng Chiêng - báu vật nơi đại ngàn.

Xét về tính chất hiện vật, những nét chạm khắc biểu hiện người đánh cồng chiêng (dáng đánh rất giống người Tây Nguyên) có trên trống đồng Đông Sơn vốn có lịch sử hơn 4.000 năm. Về lối đánh “rất nguyên thủy”, người Tây Nguyên vẫn “mỗi người mội cái”, chưa kết thành dàn do một nghệ sĩ biểu diễn như các dân tộc ở Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia (theo nguyên lý phát triển từ đơn giản đến phức tạp thì càng đơn giản càng gần ý nghĩa vật tổ); hình dáng cồng chiêng cũng chưa phát triển theo dạng trống (tức chiêng có đế vuông hoặc tròn).

Xét về mục đích, cồng chiêng Tây Nguyên vẫn mang ý nghĩa từ thuở sơ khai của nó là thuần chức năng phục vụ đời sống con người như: chào đón khách, mừng lúa mới, cưới hỏi, ma chay, cúng sức khỏe, cúng bến nước, các nghi lễ gia đình, hội hè…Trong khi ở các vùng Đông - Nam Á, Cồng chiêng đã thành phương tiện biểu diễn cung đình, mang chức năng giải trí.

Xét về lịch sử tiến hóa, mỗi sự biến chuyển tính năng nhạc khí (ở thời bấy giờ) diễn ra trong hàng mấy trăm năm. Và có thể khẳng định, căn cứ trên vết tích trống đồng mà những gì quý giá mới được khắc lên đó, Cồng Chiêng Tây Nguyên đã có ít nhất 2.000 năm.

Vượt qua sự tàn phá của không gian và thời gian, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vẫn phục vụ cho đời sống tâm linh, sinh hoạt của con người nơi đây, trở thành một nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trở thành niềm tự hào, hãnh diện của Tây Nguyên cũng như Việt Nam cũng như của nhân loại khi UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Để lưu giữ, bảo tồn và quảng bá nét văn hóa đặc sắc ấy, trong những năm qua các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và vai trò của chủ thể văn hóa trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng; tăng cường tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng; làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tây Nguyên.

Bên cạnh đó cũng nhằm khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời huy động sức mạnh của toàn xã hội, sự phối hợp của các cấp, các ngành nhằm phát triển văn hóa dân tộc; góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với nhiệm vụ phát triển văn hóa.

Hiện nay, tại hầu hết các buôn làng Tây Nguyên đều có những đội cồng chiêng phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng, trong dịp hội hè. Vào ngày lễ tết, hình ảnh quen thuộc '''bên ngọn lửa thiêng, những vòng người say sưa múa hát trong tiếng cồng chiêng vang động núi rừng''' lại xuất hiện trên khắp các buôn làng. Các nghệ nhân dân gian diễn tấu cồng chiêng kết hợp với nhau rất hài hòa, tạo nên những bản nhạc với các tiết tấu, hòa thanh rất phong phú, mang sắc thái riêng với muôn vàn cung bậc.

Mỗi dân tộc đều có những bản nhạc cồng chiêng riêng để diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên, khát vọng của con người, người Giarai có các bài chiêng Juan, Trum vang, người Bana có các bài chiêng Xa Trăng, Sakapo, Atâu, Tơrơi...

Âm thanh của cồng chiêng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của buôn làng. Đây là sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật nhất ở nhiều dân tộc Tây Nguyên.

Đọc thêm