Mất tiền oan cho dịch vụ “theo dõi ngoại tình”
Mới đây, chị L.G.A., ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ câu chuyện bị lừa đảo trên mạng. Theo chị A., chị tham gia một nhóm kín chuyên tâm sự, giúp nhau gỡ rối những khúc mắc gia đình. Vài ngày trước, trên nhóm có một bài tâm sự hành trình phát hiện, theo dõi chồng ngoại tình rất gay cấn. Chủ nhân bài viết kể bản thân chỉ vì tình cờ mở điện thoại chồng, thấy những tin nhắn zalo gần đây của chồng đã bị xóa nên sinh nghi, nhờ một người bạn giỏi công nghệ cài phần mềm để có thể mở khóa được các tin nhắn ẩn của chồng. Từ đó, chủ nhân bài viết phát hiện chồng mình đã ngoại tình và có con riêng, còn có âm mưu “hất cẳng” vợ để lấy tài sản, nhờ vậy đã kịp thời đề phòng, thu vén tài sản, đồng thời ra đi một cách “thắng lợi”. Bài viết nhận được không ít lời khen, ngưỡng mộ từ chị em phụ nữ. Trong đó, nhiều chị em vào hỏi cách để “phá khóa” xem được các tin nhắn zalo ẩn giấu trong máy chồng.
Là một người vợ cũng đang hoang mang vì nghi ngờ chồng có người khác, chị A. đã nhắn tin cho tài khoản của người phụ nữ trên để xin “bí quyết” tra zalo chồng. Chị được người phụ nữ này nhiệt tình tư vấn, chia sẻ, sau đó cho một số điện thoại, nói là của người bạn làm dịch vụ công nghệ có thể tra tất tần tật những thứ bị ẩn trong điện thoại. Chị A. liên hệ người này, được tư vấn rất cặn kẽ, báo giá 5 triệu cho 1 tháng theo dõi, mở khóa toàn bộ tin nhắn, hình ảnh trên máy chồng chị. Số tiền ứng ban đầu là 3 triệu đồng, còn lại sau khi hoàn tất dịch vụ sẽ trả sau. Tuy nhiên, sau khi chị chuyển tiền thì không thể liên lạc được với cả người cung cấp dịch vụ lẫn người phụ nữ nói trên. Viết bài tố cáo tài khoản nói trên lên nhóm, chị nhận được hàng loạt chia sẻ của nhiều chị em khác cũng bị mất tiền tương tự, với số tiền mỗi người vài triệu đồng.
Không ít trường hợp tương tự như vậy đã xảy ra gần đây trên các hội nhóm mạng xã hội. Nhiều thành viên các hội nhóm đã có phản ánh về hình thức lừa đảo theo kiểu tâm sự “bí quyết” phát hiện chồng ngoại tình, qua đó cung cấp một cách tinh vi dịch vụ “mở khóa” thông tin trò chuyện trên điện thoại, hoặc cài đặt định vị theo dõi trên điện thoại. Thực chất, những dịch vụ được giới thiệu sau đó đều là lừa đảo, do chính bản thân người “chia sẻ” hoặc đồng bọn tạo ra để trục lợi.
Quản trị viên nhiều hội, nhóm trên cho biết sẽ xóa, không duyệt những bài tâm sự có những thông tin mở khóa điện thoại hoặc theo dõi bạn đời như vậy. Tuy nhiên, những đối tượng lừa đảo vẫn tiếp tục tìm kiếm, lập ra những trang, những hội nhóm mới, tiếp tục tiếp cận người dùng.
Nhiều hình thức lừa đảo tinh vi
Thời gian trước đã rộ lên hình thức lừa đảo, mồi chài chị em phụ nữ thông qua các khóa học online. Những kẻ lừa đảo cũng lên mạng tâm sự chuyện đời bằng những bài viết có nội dung hấp dẫn. Thông qua các bài viết này, người đăng bài thường xây dựng lên hình ảnh những phụ nữ ở tận cùng đau khổ trong hôn nhân như bị gia đình chồng o ép, bị bạo hành, chồng đối xử tệ bạc, ngoại tình... Nhưng sau đó đã vươn lên, chăm sóc, nâng cấp bản thân, để rồi có được kết quả tốt đẹp như có nhan sắc, tự do, kiếm tiền giỏi... Khi nhiều chị em vào bình luận, tâm sự chuyện gia đình, chủ nhân các bài viết sẵn sàng chia sẻ, nhắn tin quan tâm, động viên, từ đó khôn khéo tiếp thị về những khóa học online về nâng cấp bản thân, biến phụ nữ thành tự tin, tìm được hạnh phúc... Nhiều chị em, vì bị thuyết phục bởi bài viết và lời lẽ nói trên, sẵn sàng chuyển đi số tiền không nhỏ, sau đó nhận ra giáo trình khóa học chỉ là một tập tài liệu có nội dung... trích ra từ một quyển sách dạy kĩ năng nào đó dành cho phụ nữ.
Một hình thức lừa đảo khác cũng rộ lên hồi năm ngoái là lên mạng giả danh phụ nữ đơn thân để lừa đảo đàn ông. Nhiều đối tượng lừa đảo sau khi bị cơ quan điều tra bắt đã hé lộ thủ đoạn đăng hình ảnh đẹp, cộng với tâm sự lâm ly về hoàn cảnh gia đình, tiếp cận những người đàn ông “yếu lòng”. Sau đó là hẹn hò online, hứa hẹn gặp gỡ, rủ rê tham gia các phi vụ đầu tư trên mạng kiếm tiền dễ dàng. Nhiều người đã mất đến hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng cho những cú lừa dạng này.
Có thể thấy, những đối tượng lừa đảo ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi khi thông qua những bài viết tâm sự chuyện gia đình có vẻ chân thật, “đánh” vào cảm xúc, nhu cầu của người dùng mạng. Cạnh đó, nhiều nạn nhân khi bị lừa thường xấu hổ, hoặc vì số tiền không quá lớn, thường giữ im lặng, cho qua không lên tiếng.
Các chuyên gia đã đưa ra lời cảnh báo, người dùng nên cẩn trọng trước những bài viết tâm sự trên mạng. Với các bài viết này, người dùng có thể đọc tham khảo, nhưng không nên để bị dẫn dắt tham gia bất cứ dịch vụ gì. Bởi một khi bị lôi kéo, nạn nhân có thể bị lừa, mất tiền, mất đi niềm tin, chẳng những không hàn gắn được những mối quan hệ đang rạn nứt, mà còn có thể khoét sâu những mâu thuẫn vốn có trong gia đình. Khi bị lừa, người dùng cũng nên mạnh dạn tố cáo đến cơ quan chức năng và lên tiếng cảnh tỉnh người thân, bạn bè trước những thủ đoạn mới mẻ, tinh vi của những đối tượng lừa đảo.