Bí thư Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công viên

(PLVN) - Mới đây, trong phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu quan tâm, trong đó có câu chuyện công viên cây xanh và vấn đề úng ngập.
Ảnh minh họa

Đề cập đến câu chuyện công viên ở Hà Nội, Bí thư Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án công viên cây xanh có hồ điều hòa, đã được phê duyệt trên địa bàn TP.

Ông Dũng quán triệt nguyên tắc không lấp hồ, ao hiện có để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở. Bí thư Hà Nội cũng nhấn mạnh, TP khuyến khích các nhà đầu tư, địa phương xây dựng các khu công viên cây xanh có hồ điều hòa để tăng diện tích cây xanh và khả năng tiêu thoát nước đô thị khi xảy ra mưa lớn.

Trước đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn TP hiện có 63 công viên, vườn hoa, với tổng diện tích khoảng 300ha, chiến 2% diện tích đất. Trong đó, 4 quận trung tâm (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) có 30 công viên, vườn hoa, chiếm 1,92% tổng diện tích đất, đạt 2,08m2/người.

Tính từ 2014 - 2030, kế hoạch đạt 710ha cây xanh đô thị trong nội thành của Hà Nội đã đi qua được nửa chặng đường, thế nhưng phần lớn dự án còn nằm trên giấy hoặc khởi công xong rồi “đắp chiếu”.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, kinh phí sửa chữa, khắc phục các hạng mục hư hỏng, xuống cấp trong công viên trên địa bàn hiện nay còn hạn chế. Với 9 công viên đã khởi công nhiều năm qua nhưng tồn tại hàng loạt bất cập dẫn đến chậm tiến độ.

Trả lời báo chí, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP đã lập Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, đầu tư xây dựng mới 6 công viên; cải tạo, chỉnh trang, đầu tư xây dựng, nâng cấp 50 công viên, vườn hoa.

Ông Thanh khẳng định, trong năm 2023, TP sẽ làm “sống lại” các công viên trên địa bàn. Người dân TP sẽ được hưởng lợi một cách công bằng và tự do về nguyên tắc tiếp cận các công viên trên địa bàn.

Theo ông Thanh, TP sẽ mở ra một số mô hình mới về đầu tư công viên, cây xanh. “Mô hình đầu tư như thế nào thì người dân vẫn được hưởng lợi. Chứ không có chuyện dựng hàng rào, bán vé thu phí vào công viên”, ông Thanh nói.

V.Sơn