Bộ Công an đề xuất giải pháp ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong xác định giá đất

(PLVN) - Theo Bộ Công an, việc thẩm định giá đất theo phương pháp thặng dư phụ thuộc nhiều các ước tính chủ quan của thẩm định viên về giá và công ty thẩm định giá… có nguy cơ thất thoát cho ngân sách. Do đó, Bộ Công an đề xuất giải pháp ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong việc xác định giá đất.
Ảnh minh họa.

Như PLVN đã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra đề nghị truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và 16 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án Khu đô thị biển Phan Thiết (Bình Thuận). Liên quan vụ án này, Bộ Công an đã đề xuất giải pháp ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong xác định giá đất.

“Kẽ hở” tội phạm sử dụng

Theo Kết luận điều tra, các bị can có sai phạm trong việc phê duyệt giá với hơn 10ha đất ở quy hoạch nhà cao tầng tại dự án trái quy định, gây thiệt hại hơn 154 tỷ đồng. Ngoài ra, việc định giá với hơn 25ha nhà thấp tầng cũng trái pháp luật, gây thiệt hại 154 tỷ đồng. Hành vi phạm tội của các bị can gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 308 tỷ đồng.

Để xảy ra sai phạm có hành vi của một số cán bộ thẩm định giá khi xác định giá đất là hơn 2,57 triệu đồng/m2 không sát với giá thị trường. Ngoài ra, các bị can cũng làm trái kết luận của Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận…

Theo Bộ Công an, phương pháp thặng dư là phương pháp phổ biến, được sử dụng để xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đối với thửa đất, khu đất có tiềm năng phát triển để sử dụng cao nhất và tốt nhất. Trong khi đó, quy định Luật Đất đai, các nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa quy định chi tiết về cách thức thực hiện phương pháp thặng dư tại thời điểm xác định giá đất.

Từ những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành nêu trên, Bộ Công an cho rằng, việc thẩm định giá đất theo phương pháp thặng dư phụ thuộc nhiều các ước tính chủ quan của thẩm định viên về giá và công ty thẩm định giá. Từng công ty thẩm định giá và các địa phương vận dụng tùy tiện, không thống nhất làm cách thức xác định giá trị quyền sử dụng đất khác nhau và cùng một khu đất nhưng mỗi công ty thẩm định giá lại cho ra kết quả định giá khác nhau, có nguy cơ thất thoát cho ngân sách… Đây là sơ hở, thiếu sót, bất cập chính mà tội phạm thường sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Giải pháp ngăn chặn tiêu cực trong xác định giá đất

Để phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong việc xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là ngăn chặn, từng bước hạn chế tiến tới triệt tiêu việc áp dụng các yếu tố chủ quan trong xác định giá đất theo phương pháp thặng dư mà tội phạm thường lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội cũng như các hành vi tiêu cực, tham nhũng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề xuất nhiều giải pháp.

Cụ thể, Bộ Công an kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực đất đai để hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng bước trong phương pháp thặng dư, xây dựng các tiêu chuẩn. Cụ thể, chuẩn hóa các yếu tố giả định, bao quát các trường hợp trên thực tế bảo đảm tính thống nhất trong quá trình áp dụng, đặc thù giữa các địa phương. Có cơ chế giám sát về việc xây dựng các yếu tố giả định tại từng địa phương, phòng ngừa ngăn chặn việc điều chỉnh các giả định theo mục đích cá nhân của các bên liên quan. Hoàn thiện hệ thống dữ liệu về giá đất quốc gia và các công cụ hỗ trợ thẩm định giá…

Kiến nghị chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, cơ quan rà soát, tiến hành thanh tra việc áp dụng phương pháp thặng dư để xác định giá đất cụ thể trong trường hợp giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đầu tư, phát triển nhà ở thương mại tại các địa phương. Trong thời gian tới cần tăng cường thanh tra định kỳ và đột xuất, tập trung kiểm tra việc thu thập thông tin, dữ liệu thị trường (đầu vào) đưa vào tính toán trong phương án giá đất… để giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương pháp thặng dư và ngăn chặn kịp thời các hành vi tiêu cực.

Ngoài ra, Bộ Công an kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, cơ quan chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định giá, yêu cầu các công ty phải công khai quy trình, phương pháp và các giả định sử dụng trong quá trình xác định giá trị đất…; nghiên cứu xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ thẩm định viên.

Đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty thẩm định giá, kịp thời phát hiện vi phạm trong việc thực hiện các hợp đồng tư vấn xác định giá đất tại các dự án đất đai, đầu tư phát triển nhà ở thương mại, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm…

Đọc thêm