Nhiều năm qua, có một tình trạng xảy ra là một số người “chôn tiền” vào BĐS. Ngoài các Cty kinh doanh BĐS, có một số cá nhân tham gia đầu cơ BĐS. Mặc dù mọi người có quyền tự do kinh doanh; nhưng kinh doanh làm sao để không gây lãng phí nguồn lực, không gây phân hóa giàu nghèo; là vấn đề cần bị điều chỉnh, điều tiết bởi các quy định pháp luật.
Để kiểm soát tình trạng đầu cơ, “thổi giá” BĐS, phát triển thị trường BĐS lành mạnh, một trong những giải pháp hữu hiệu là sử dụng công cụ thuế. Đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập, động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước theo chủ trương tại Nghị quyết 18-NQ/TW, của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII).
Thực tế ở nước ta, đến nay vẫn chưa có một sắc thuế nhằm điều chỉnh các loại tài sản có khả năng chịu thuế. Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng pháp luật thuế tài sản đã được đặt ra một số năm trước. Tháng 4/2018, Bộ Tài chính từng đưa ra đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, dự kiến đánh thuế với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô… có giá trị nhất định trở lên. Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến trái chiều, kế hoạch này đã tạm dừng lại.
Trong Nghị quyết vừa ban hành, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương có biện pháp điều tiết để đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường BĐS, hài hòa giữa cung và cầu; tăng nguồn cung bất động sản giá thấp; đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội. Có giải pháp căn cơ, dài hạn đưa giá BĐS về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo “sốt giá”.
Trong thời điểm hiện nay, khi cả nước đang tận dụng các nguồn lực hợp lý để phát triển: nhiều ý kiến đồng tình đã đến lúc xây dựng luật đánh thuế với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất; đúng như Quốc hội đã quyết nghị.