Theo một báo cáo của Europol, trong những vụ tấn công trước đây, tin tặc thường sử dụng các thiết bị đánh cắp mật khẩu (skimming device), các ổ cứng di động USB hoặc các đĩa CD để cài đặt phần mềm độc hại vào các máy rút tiền ATM, nhưng kể từ năm 2015, loại tội phạm này lại có xu hướng tấn công theo hình thức mới và xu hướng này hiện đã gia tăng với tốc độ nhanh hơn.
Tin tặc không chỉ sử dụng những thiết bị trên để tấn công các ATM, mà còn truy cập thông tin của những máy rút tiền này thông qua mạng lưới máy tính của các ngân hàng.
Một trong những thủ đoạn mà chúng hay sử dụng là gửi thư điện tử giả mạo (mạo danh thư điện tử của một ngân hàng không có trên thực tế) có chứa phần mềm độc hại cho các nhân viên của một ngân hàng có thật và một khi những bức thư này được mở, phần mềm trên sẽ tự động thâm nhập mạng lưới máy tính nội bộ của ngân hàng này và đánh cắp thông tin từ các máy ATM.
Theo Giám đốc Trung tâm phòng chống tội phạm mạng EC3 của Europol, ông Steven Wilson, trong những vụ tấn công này, tin tặc sử dụng ngày càng nhiều những phần mềm độc hại (malware) và số vụ tấn công cũng gia tăng với tỷ lệ tương ứng.
Cũng theo báo cáo trên, những vụ tấn công kiểu như vậy sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Để phòng ngừa những cuộc tấn công này, Europol khuyến cáo các ngân hàng tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh cho các máy ATM thông qua việc lắp đặt thêm các thiết bị bảo vệ cho những máy rút tiền này.
Ngoài ra, cơ quan trên cũng đưa ra báo cáo riêng đề xuất những công việc mà các ngân hàng cần thực hiện để ngăn chặn những vụ tấn công nói trên./.