Trước đó, vào ngày 28/9, thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan để trao đổi, làm rõ, từ đó đề xuất triển khai thực hiện tiếp việc tuyển chọn, hoặc thi tuyển với kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo Hội KTS Việt Nam đánh giá, việc chỉ có một đơn vị tư vấn chuyên ngành về giao thông (Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI), nghiên cứu đề xuất các phương án về kiến trúc cầu là chưa hợp lý, mà cần có sự hợp tác với các đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc có uy tín, kể cả kiến trúc quốc tế.
Hội KTS Việt Nam thông tin thêm, do vị trí, vai trò công trình cầu Trần Hưng Đạo trong tổ chức không gian cảnh quan và giao thông khu vực rất đặc biệt, nên Hội KTS mong muốn đây là công trình tạo điểm nhấn về kiến trúc. Cây cầu nên trở thành một biểu tượng về lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa đương đại, không nên lặp lại phong cách kiến trúc kiểu Pháp hay Đông Dương…
Từ đó, Hội KTS Việt Nam đã đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét hai phương án:
- Tổ chức thi tuyển rộng rãi, thời gian thực hiện khoảng 2,5 tháng và có sự tham gia của các đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc quốc tế,
- Nếu tiếp tục thực hiện tuyển chọn thì mời các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế đề xuất thêm các phương án thiết kế kiến trúc để tuyển chọn bổ sung.
Căn cứ ý kiến các đơn vị dự họp, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. Hà Nội đề xuất UBND TP. Hà Nội tổ chức thi tuyển rộng rãi theo quy định của Luật Kiến trúc và đề nghị của Hội KTS Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, tháng 8/2021 vừa qua, Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội đã trình UBND TP. Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng.
Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đã đánh giá, xếp hạng 3 phương án do Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đề xuất trong đó phương án 3 được 13/15 thành viên hội đồng lựa chọn với điểm số cao nhất.
|
Cầu Trần Hưng Đạo phương án 3 - Kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương. |
Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông đề xuất UBND TP. Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng với phương án 3 - kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương, mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính.
Tuy nhiên, Hội KTS Việt Nam cho rằng, phương án đưa ra từ đầu đến nay cũng không phải là phong cách kiến trúc Đông Dương mà là hình thức mô phỏng khiên cưỡng, pha trộn với nhiều chi tiết kiến trúc châu Âu từ thời trung cổ…
Kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo rất cần và nên mang tinh thần mới, đơn giản, thanh thoát. Cần xem xét kỹ càng về tỉ lệ và kiến trúc tất cả các bộ phận hình thái như các tháp - trụ cầu, mố cầu, lan can cầu. Đặc biệt, chú ý đến cả các điểm dừng ngắm cảnh bố cục trên phần đường đi bộ của cầu.
Như báo PLVN đã đưa tin trước đó, UBND TP. Hà Nội đã giao Công ty CP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư. Công ty CP Him Lam phải hoàn thành công tác lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong 12 tháng.
Cầu Trần Hưng Đạo nằm vào khoảng giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy. Phía nam cầu kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh 2 quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5A).
Tổng chiều dài tuyến (bao gồm cầu và đường dẫn hai đầu) khoảng 5,5 km qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Công trình vĩnh cửu, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, thép và dây văng, khổ thông thuyền sông cấp II, tĩnh không đường chui dưới cầu 4,75 m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.000 tỷ đồng.