Hà Nội: Xử lý vi phạm về đất đai chưa quan tâm đến khắc phục hậu quả

(PLO) - Theo Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân, các vi phạm về đất đai được báo cáo là những vi phạm đã tồn tại nhiều năm, có những vụ việc đã xem xét thanh tra giải quyết nhưng việc xử lý sau thanh tra chưa dứt điểm dẫn đến số lượng tồn đọng còn lớn. 
Ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố

Ngoài nguyên nhân khách quan, công tác kiểm tra của cấp xã, cấp huyện trong xử lý vi phạm đất đai còn yếu. Trong xử lý mới áp dụng xử lý hành chính, đình chỉ thi công công trình mà chưa quan tâm đến các biện pháp cưỡng chế, khắc phục hậu quả.

Ngày 25/9, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã quý III/2017.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất mà đặc biệt là đối với đất công, đất nông nghiệp còn nhiều hạn chế cần khắc phục, tình trạng sử dụng đất công, đất nông nghiệp không đúng mục đích, tình trạng lấn, chiếm đất nông nghiệp, đất công và xây dựng công trình trái phép còn phổ biến ở nhiều địa phương chưa được xử lý dứt điểm, chưa kết luận làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Đông, đó là công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về đất đai, đặc biệt đối với đất công, đất nông nghiệp chưa được cấp ủy Đảng và UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm chỉ đạo xử lý kiên quyết, một số vi phạm còn để tồn tại kéo dài. Tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm xử lý vi phạm trong quản lý đất đai tại một số phường, xã, thị trấn gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai tại một số địa phương chậm được xử lý, xử lý không dứt điểm, để phát sinh nhiều vụ việc kéo dài và đơn thư vượt cấp.

Trao đổi về công tác quản lý trật tự xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, tính đến ngày 30/9, Sở đã kiểm tra 14.483 công trình xây dựng từ quy mô nhỏ đến dự án cấp thành phố. Tất cả thông tin người dân gọi điện phản ánh về vi phạm trật tự xây dựng các lực lượng chức năng đều có mặt kiểm tra sau 2 tiếng. Từ ngày 10/7 đến ngày 30/8 đã kiểm tra 30 quận, huyện, ký biên bản rà soát tất cả công trình vi phạm tồn đọng, giải quyết 176/440 trường hợp tồn đọng về vi phạm trật tự xây dựng. Với các công trình vi phạm, Sở Xây dựng đều có biên bản gửi chủ đầu tư và lãnh đạo quận, huyện, thị xã để khắc phục và xử lý. Qua kiểm tra cho thấy có 1.216 trường hợp vi phạm, 278 trường hợp phải cưỡng chế. 

Cho rằng công tác kiểm tra của cấp xã, cấp huyện trong xử lý vi phạm đất đai còn yếu; trong xử lý mới áp dụng xử lý hành chính, đình chỉ thi công công trình mà chưa quan tâm đến các biện pháp cưỡng chế, khắc phục hậu quả, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân đề nghị Chủ tịch UBND các xã, phường cần tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; áp dụng xử lý cưỡng chế theo thẩm quyền, quan tâm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cá nhân và các hộ gia đình.

Liên quan đến việc quản lý trật tự xây dựng, tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu quận Nam Từ Liêm báo cáo rõ về việc sập Trường Mầm non Vườn Xanh, phường Mỹ Đình xảy ra vào 3h sáng  25/9.

Theo Bí thư quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải, Trường Mầm non Vườn Xanh (Green shcool) thuộc Khu đô thị Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm đang trong quá trình xây dựng đã bị đổ sập vào lúc 3h sáng  25/9. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, quận đã cử người xuống kiểm tra hiện trường, nguyên nhân vụ việc  hiện đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Đọc thêm