Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, tính đến thời điểm này địa phương về cơ bản đã hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với toàn bộ diện tích theo đơn vị hành chính.
Trong từng giai đoạn cụ thể, việc đo đạc, lập bản đồ địa chính được áp dụng theo các phương pháp khác nhau. Công tác đăng ký, GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được UBND tỉnh, các địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện.
Vì vậy, đến năm 2000 toàn tỉnh đã cơ bản thực hiện xong công tác cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất dân cư và canh tác. Theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố đến năm 2000, công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ cao (khoảng 97%).
Đối với công tác đăng ký, cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân (sau năm 2000) chủ yếu thực hiện theo nhu cầu khi người sử dụng đất thực hiện các quyền như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế… trên cơ sở thông tin thửa đất đã được cấp GCNQSDĐ, không thực hiện kiểm tra, đo đạc chỉnh lý và cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính đã lập (Bản đồ địa chính (lập bằng công nghệ số), Sổ địa chính, Sổ mục kê đất đai…) dẫn đến, ranh giới, diện tích theo GCNQSD đất đã cấp không đồng nhất với ranh giới, diện tích theo bản đồ, hiện trạng đang sử dụng, không đủ điều kiện cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai và dữ liệu dân cư theo Đề án 06.
|
Ông Hoàng Văn Thực - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương phát biểu tại cuộc họp |
Tuy nhiên, sau khi thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, tình hình công tác đo đạc, đăng ký, cấp GCNQSDĐ gặp nhiều khó khăn. Do yêu cầu của công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương...; Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc chỉnh lý, lập hồ sơ cấp đổi, cấp lại GCNQSDĐ trong giải quyết các thủ tục hành chính khi người sử dụng đất có nhu cầu thực hiện các quyền (như chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho…) trên nền bản đồ địa chính thành lập bằng công nghệ số và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu đất đai nên phát sinh nhiều công việc phải thực hiện để có dữ liệu đảm bảo phục vụ cập nhật, chia sẻ với Đề án 06 và nhu cầu của người dân tăng lên, số lượng người làm việc có hạn nên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Phó Chủ tịch Hải Dương đã chỉ ra những nguyên nhân của những tồn tại, chậm tiến độ. Trong đó chỉ rõ những khó khăn về biên chế, trang thiết bị và cả năng lực của một số cán bộ làm công tác đo đạc.
Đối với công tác đo đạc và cấp GCNQSDĐ, Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống" để cập nhật, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06, nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai hết sức nặng nề; trong đó công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh.
Ông Lưu Văn Bản yêu cầu các địa phương cần tập trung tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến từng thôn, khu phố để công dân biết và thực hiện kê khai đăng ký biến động trong quá trình sử dụng như: biến động về người sử dụng đất, biến động về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu thửa đất, mục đích sử dụng đất... để được đăng ký, cấp giấy chứng nhận theo quy định.
Đồng thời, rà soát, thống kê, phân loại các thửa đất đang sử dụng nhưng chưa đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; xác định rõ nguyên nhân tồn đọng, những khó khăn vướng mắc trong việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận ở địa phương và đề xuất biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cụ thể để xử lý cấp giấy chứng nhận; xây dựng Kế hoạch cấp GCNQSD đất lần đầu hàng tháng để đẩy nhanh cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nghiêm cấm các hành vi cản trở, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân.
Ngay sau buổi họp, Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương yêu cầu, Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu cho UBND huyện xử lý diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân mà các hộ đang sử dụng nhưng chưa đăng ký và được công nhận quyền sử dụng đất (đất “dôi dư") theo đúng quy định của pháp luật để phục vụ công tác quản lý và từng bước chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai; Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để hoàn thành xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh Hải Dương cũng được yêu cầu phối hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp GCNQSDĐ cho các địa phương.