Kết quả thanh tra cho thấy, tỉnh Hòa Bình còn nhiều hạn chế về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và sai phạm về quản lý sử dụng đất. Trong đó phải kể đến sai phạm tại sân Golf Phượng Hoàng của Cty TNHH sân golf Phượng Hoàng.
Bên cạnh đó về quản lý sử dụng đất đối với “Dự án Khu dân cư bắc đường Trần Hưng Đạo”, Sở Xây dựng Hòa Bình cấp phép xây dựng trái thẩm quyền, không phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án Viettel Hòa Bình; xây dựng trái mục đích, không phù hợp quy hoạch khi xây dựng trụ sở làm việc trên ô đất công trình dịch vụ, xây 2 sân tennis và nhà phụ trợ trên đất cây xanh. Các hoạt động này vi phạm điểm a, khoản 1 Điều 36 Luật Xây dựng 2003; khoản 1, Điều 11, Điều 15; khoản 3, Điều 38 Luật Đất đai 2003.
Bên cạnh đó, kết luận thanh tra còn chỉ ra Sở Tài chính Hòa Bình tính thiếu tiền sử dụng đất cho dự án với diện tích thiếu hụt là 11.000m2, UBND tỉnh Hòa Bình khi phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 tính thiếu hơn 5.400m2 để thu tiền sử dụng đất, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước, vi phạm điểm a, khoản 1, Điều 54, Luật Đất đai 2003.
Đối với Dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long (do Công ty CP Đầu tư Xây lắp dầu khí Hòa Bình làm chủ đầu tư), kết luận cho rằng tỉnh Hòa Bình có nhiều quyết định không chính xác, khiến tiền sử dụng đất phải nộp giảm hơn 100 tỉ đồng. Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư cũng chưa nộp tiền sử dụng đất trị giá hơn 40 tỉ đồng.
Dự án xây dựng Khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ San Nam Hoà Bình cũng được chỉ ra nhiều sai phạm. Cụ thể, dự án có diện tích 405ha, nhưng tỉnh Hòa Bình mới kí hợp đồng 80ha, số còn lại dù chưa ký, chưa nộp tiền sử dụng đất nhưng chủ đầu tư đã sử dụng từ tháng 8/2007.
Không dừng lại ở đó, Dự án Trung tâm thương mại và nhà ở tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn do Công ty CP Đông Dương làm chủ đầu tư thì một số khoản chi phí như: số tiền trả lãi vay, thuế VAT đưa vào xác định không đúng quy định tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính và Giấy chứng nhận đầu tư được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt, làm cho tổng chi phí đầu tư phát triển tăng, dẫn đến tiền sử dụng đất phải nộp với số tiền hơn 14 tỷ đồng, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Dự án Khu công nghiệp Lương Sơn, qua thanh tra cho thấy, nguồn vốn hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho dự án là hơn 118 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện đầu tư hạ tầng cơ sở bao gồm đường trục chính khu công nghiệp Lương Sơn với số tiền hơn 20 tỷ đồng, theo tổng mức đầu tư được duyệt (giá trị đã nghiệm thu thanh, quyết toán là hơn 19 tỷ đồng) là chưa phù hợp về chính sách khu công nghiệp của Thủ tướng Chính phủ tại thời điểm đầu tư.
Ngoài các thiếu sót trên, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư của Hòa Bình cũng còn nhiều hạn chế, chất lượng thấp. Một trong số đó là Dự án xây dựng trụ sở Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình và các ban đảng. Theo đó, biên bản bàn giao công trình đưa vào sử dụng ngày 28/4/2014 đến ngày 28/11/2014, sau 4 tháng UBND tỉnh Hòa Bình mới phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 1942/QĐ-UBND, trong đó điều chỉnh quy mô đầu tư, cắt giảm, bổ sung hạng mục, thay đổi chủng loại vật liệu với giá trị điều chỉnh lớn, không đúng.
Dự án kiên cố hóa để khắc phục tình trạng sạt lở quốc lộ 6, dù được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai khẩn cấp đối với một số đoạn taluy sạt lở thực hiện trong năm 2012, nhưng phải đến năm 2014 mới hoàn thành 11/14 đoạn kè, không đảm bảo các yêu cầu tiến độ của dự án khẩn cấp.
Đối với Dự án nạo vét gia cố chỉnh trị dòng sông Bôi và thoát lũ nhanh cho các huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, phê duyệt hợp phần các công trình trên tuyến từ năm 2010 với giá trị 308,26 tỷ đồng không có hồ sơ khảo sát, thiết kế và dự toán đến thời điểm thanh tra năm 2015 mới hoàn chỉnh hồ sơ khảo sát, thiết kế dự toán để trình phê duyệt điều chỉnh…