Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội rất đáng để học tập

(PLO) - Đến thăm các mô hình sử dụng hiệu quả vốn chính sách và chứng kiến thực tiễn hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở, đoàn công tác của Hiệp hội các tổ chức tín dụng châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) – nhận định, hoạt động của NHCSXH rất đáng để các nước có tỉ lệ hộ nghèo cao học tập.
TS. Prasun Kumar Das - Tổng Thư ký Hiệp hội APRACA - tìm hiểu về mô hình sản xuất đậu phụ của gia đình bà Nguyễn Thị Lịch (Hà Nội)

Nằm trong chương trình Hội thảo quốc tế “Thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn vì người nghèo - kinh nghiệm của Việt Nam”, vừa qua, đoàn cán bộ cấp cao của Hiệp hội APRACA do Tiến sĩ Prasun Kumar Das - Tổng Thư ký - làm Trưởng đoàn đã có chuyến công tác và tìm hiểu về hoạt động của NHCSXH tại huyện Đông Anh (TP Hà Nội).

Tại huyện Đông Anh, đoàn đã đến xã Vĩnh Ngọc, tìm hiểu điều kiện kinh tế - xã hội của xã và tận mắt chứng kiến hoạt động tín dụng chính sách góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. 

Đoàn công tác của Hiệp hội APRACA cũng đã tìm hiểu mô hình hoạt động Điểm giao dịch xã, công tác ủy thác vốn vay qua 04 tổ chức hội, đoàn thể và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời tim hiểu về phương thức chuyển tải và quản lý vốn vay của NHCSXH. 

Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi qua NHCSXH góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế các hộ gia đình, giúp cho những hộ gia đình được vay vốn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, thông qua công tác ủy thác cho vay qua 4 tổ chức hội, đoàn thể đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội, tạo nên một kênh dẫn vốn, quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội an toàn, hiệu quả, tin cậy đối với nhân dân và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Đến nay, tổng dư nợ của 06 chương trình tín dụng chính sách được triển khai trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc đạt gần 11 tỷ đồng với 358 hộ vay, hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2018. Trong 9 tháng đầu năm 2018, nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH đã cho vay được trên 350 lượt hộ, góp phần thu hút gần 250 lao động, cải tạo và xây mới trên 496 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây mới, sửa chữa, cải tạo 03 căn nhà ở cho hộ nghèo... Nhiều năm qua, trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc không có nợ quá hạn.

Bà Gouri Krishna - Tổng Giám đốc tổ chức Basix consulting (Ấn Độ), thành viên đoàn công tác - cho rằng việc NHCSXH cho vay đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là hết sức hiệu quả, thực hiện giao dịch tại Điểm giao dịch xã thông qua chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn là một nét đặc thù, riêng có của NHCSXH rất đáng để các quốc gia trong Hiệp hội APRACA và các quốc gia có tỷ lệ hộ nghèo cao học hỏi, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc công khai các chương trình tín dụng, dư nợ từng hộ vay, lãi suất các chương trình… thể hiện tính khách quan, minh bạch, dân chủ của hoạt động tín dụng chính sách tại Việt Nam. 

“Đây là một mô hình quản lý riêng của hệ thống NHCSXH và của đất nước Việt Nam, phù hợp với thực tiễn hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng được thụ hưởng trong việc vay vốn, trả nợ và nắm bắt kịp thời các thông tin về tín dụng chính sách, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại khi giao dịch với NHCSXH, tạo được niềm tin của nhân dân” - bà Gouri Krishna trao nói.

Thăm hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lịch, thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Từ một gia đình hộ nghèo, phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm ăn, năm 2016 gia đình bà được vay 30 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH để đầu tư máy móc và các thiết bị làm đậu phụ phục vụ bà con. Với bản tính cần cù, chịu khó, hàng ngày bà Lịch làm đậu phụ và trực tiếp mang đến các chợ tiêu thụ, đến nay mỗi tháng trừ chi phí gia đình bà Lịch có thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Gia đình bà còn được NHCSXH tạo điều kiện cho vay 12 triệu đồng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đầu tư xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt chuẩn. Trò chuyện với đoàn công tác, bà Lịch cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH gia đình tôi mới có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình”. 

Tại đây, Tiến sĩ Prasun Kumar Das - Tổng Thư ký Hiệp hội APRACA cho rằng việc NHCSXH cho vay đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là hết sức hiệu quả, những mô hình vay vốn và phát triển kinh tế như thế này rất đáng được học tập, nhân rộng và kinh nghiệm trong việc quản lý, chuyển tải vốn vay là bài học để nhiều nước trên thế giới học tập. 

Đọc thêm