Trong các đơn trình báo gần đây, bà Trần Thị Thanh Phúc (Nguyễn Khuyến, Hà Nội) tố cáo Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đã thực hiện giao dịch chuyển 4 tỷ đồng không đúng quy định. Cụ thể vào ngày 19/11/2015, bà đến ngân hàng rút tiền mới biết 4 tỷ đồng trong tài khoản thanh toán đã được chuyển đi qua hình thức uỷ nhiệm chi vào ngày 5/10 cho một người khác nhận. "Tôi hoàn toàn bất ngờ vì từ cuối tháng 8 đến khi đó không thực hiện bất kỳ giao dịch rút, chuyển tiền nào", bà Phúc nói.
Sau khi yêu cầu làm rõ, bà Phúc được SCB thông báo, ngày 5/10 có một nam thanh niên mang uỷ nhiệm chi có chữ ký của bà đến phòng giao dịch ngân hàng tại Kim Ngưu (Hà Nội) yêu cầu chuyển tiền cho một người tên Lê Thu Hà. Người này được chỉ định đến một ngân hàng khác để rút. Nhân viên ngân hàng nói khi thực hiện giao dịch đã gọi điện cho bà Phúc để xác minh.
"Tôi không thể đồng ý với việc này bởi tôi là chủ tài khoản, bất cứ giao dịch nào phải do trực tiếp tôi tới ngân hàng, trừ khi có uỷ quyền hợp lệ cho bên thứ ba đúng theo quy định. Tuy nhiên, trường hợp này ngân hàng không đưa ra được bất cứ giấy uỷ quyền nào cả", bà Phúc nói. Bên cạnh đó, bà cũng khẳng định không nhận bất cứ một cuộc điện thoại nào xác nhận và cho rằng cuộc gọi đó không thể là căn cứ để xác minh giao dịch được.
Trao đổi với VnExpress chiều 1/9, lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn (SCB) thừa nhận có sai sót của nhân viên ngân hàng khi vì nể khách VIP mà chấp nhận cho khách giao dịch qua điện thoại thay vì đến tại quầy hoặc có giấy uỷ quyền.
"Gọi điện thì bà Phúc nói bị đau chân mà đang cần chuyển khoản số tiền rất gấp nên nhờ ngân hàng hỗ trợ. Người thanh niên đến mang theo CMND gốc của bà Phúc, uỷ nhiệm chi đúng là chữ ký của bà. Mặc dù vậy, điều này là nhân viên đã làm sai so với quy trình vận hành của ngân hàng. Tôi khẳng định nếu như cơ quan điều tra xác minh chữ ký trong uỷ nhiệm chi không phải của bà Phúc, ban lãnh đạo sẽ bồi thường đầy đủ cả gốc và lãi phát sinh cho khách hàng", vị lãnh đạo này cho hay.
|
Bà Trần Thị Thanh Phúc cho xem hình ảnh nam thanh niên đến thực hiện uỷ nhiệm chi 4 tỷ đồng do camera của ngân hàng lưu lại. Ảnh: Bá Đô |
Tuy nhiên, đại diện SCB cũng cho biết thêm, chính khách hàng đã thừa nhận mình trực tiếp ký vào tờ uỷ nhiệm chi đó, trong đơn trình báo đầu tiên với ngân hàng và biên bản làm việc vào ngày 20/11/2015 - một ngày sau khi biết 4 tỷ đồng được chuyển đi. Theo SCB, ban đầu bà Phúc viết đơn trình bày nói: "Tại thời điểm xảy ra giao dịch, tôi bị ốm, đau đầu nên bên cạnh lúc nào cũng có người bạn thân tên là Nguyễn Thị Thanh Hằng thay mặt giúp đỡ mọi việc. Tôi nghi ngờ trong lúc ốm, ngủ thì bạn tôi đã dùng diện thoại để giao dịch trả lời việc chuyển khoản số tiền 4 tỷ trên".
Mặc dù vậy, trong các đơn thư và khẳng định gần đây, bà Phúc lại không hề đề cập tới thông tin này. Khi được hỏi về việc tại sao thừa nhận trước đó đã ký vào uỷ nhiệm chi, bà Phúc giải thích: "Lúc đó tôi ở trạng thái vừa mất số tiền lớn như vậy nên rất sốc và có thể đã nói không chuẩn".
|
Bản sao uỷ nhiệm chi 4 tỷ đồng được cho là có chữ ký của bà Trần Thị Thanh Phúc và đơn trình bày của khách hàng hồi tháng 11/2015. Ảnh: Thanh Lan |
Nguồn tin của VnExpress cũng thông tin, đầu tiên (cuối tháng 11/2015), bà Phúc đã làm đơn gửi cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Hà Nội tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 4 tỷ đồng này.
Đại diện SCB cũng cho biết, vào ngày có giao dịch chuyển 4 tỷ, nhân viên ngân hàng đã gọi điện thoại hai lần đến số của bà Phúc thông báo về việc chuyển tiền và phí chuyển tiền đều được bà xác nhận. Dữ liệu hệ thống cũng cho thấy có tin nhắn SMS Banking thông báo tài khoản thanh toán thay đổi số dư hơn 4 tỷ đến số điện thoại bà đã đăng ký.
Lãnh đạo SCB cũng nói thêm, sau đợt nghỉ lễ 2/9 sẽ bố trí cuộc họp ba bên để làm rõ bản chất sự việc. "Nếu như giao dịch dược thực hiện theo ý chí của khách hàng, ngân hàng vẫn sẽ hỗ trợ tối đa để giúp bà Phúc tìm người thụ hưởng, để cơ quan pháp luật điều tra làm rõ sự việc", lãnh đạo SCB nói.
Ngược lại, theo bà Phúc, việc ngân hàng làm sai quy trình dẫn đến mất tiền của khách hàng và việc cá nhân lừa đảo (giữa bà và bạn thân) là hai việc hoàn toàn khác nhau. "Nếu ngân hàng làm đúng theo quy trình thì kẻ gian không có cơ hội lừa đảo", bà nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - người bị bà Phúc tố cáo lừa đảo - cũng là khách hàng tại Ngân hàng SCB. SCB cho biết, trước đó bà Hằng đã ra ngân hàng xin mẫu khai uỷ nhiệm chi (mẫu trắng) về nhà. Trên thực tế, việc xin sẵn mẫu khống về khai rất phổ biến tại các ngân hàng. Có những khách hàng là doanh nghiệp còn xin sẵn cả quyển để giảm thời gian giao dịch tại quầy.
Bà Phúc thừa nhận trong tháng 9, tháng 10, tình trạng sức khoẻ kém, luôn trong trạng thái mê man, không ra khỏi phòng, không sử dụng điện thoại và có được bà Hằng đưa ký khống vào một số tờ giấy A4. "Việc ký khống này chỉ để phục vụ cho việc bán một căn nhà khác của tôi chứ không phải liên quan tới việc thực hiện uỷ nhiệm chi tại ngân hàng", bà Phúc khẳng định.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Minh Hải - Giám đốc điều hành Công ty Luật sư Basico cho rằng với vụ việc này nên nhìn nhận trên hai góc độ. Về góc độ quan hệ dân sự và giao dịch ngân hàng, ngân hàng đã làm sai nếu chiếu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy trình sử dụng tài khoản. Trong mọi trường hợp, ngân hàng phải kiểm tra các thông tin nhận diện khách hàng tại nơi trực tiếp giao dịch. Chỉ có thể là một, khách hàng trực tiếp giao dịch, hai là qua người uỷ quyền có hợp pháp. Cuộc gọi điện thoại xác minh không có giá trị pháp lý.
Nhưng nếu có việc lợi dụng sơ hở của ngân hàng nhằm mục đích khai thác chiếm đoạt tài sản thì cơ quan chức năng sẽ xem xét theo hướng khác. Khi đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ bản chất vấn đề và xử lý theo hướng đó.
"Nếu khách hàng không có lỗi, hoàn toàn vô tư khách quan thì ngân hàng sai quy trình phải có trách nhiệm bồi thường. Ngược lại, nếu không phải như vậy, bản chất sự việc đi theo hướng khác thì ngân hàng vẫn được bảo vệ quyền lợi", ông Hải phân tích.