UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản cho phép Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM) lập hồ sơ xin thuê đất đợt 1 dự án khu Resort Sao Mai Thanh Hóa tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân. Dự án khu Resort Sao Mai Thanh Hóa (tên gọi tắt khu du lịch sinh thái Vua Lê) được xây dựng trên diện tích khoảng 100ha, có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Giai đoạn 1, Sao Mai sẽ quy hoạch 63ha để xây dựng các phân khu trung tâm điều hành, khu dịch vụ, trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn (5 sao 280 phòng), nhà hàng nổi, khu làng Việt, khu biệt thự bốn mùa, khu Villa, khu tắm khoáng, khu Bungalow trên hồ, sân golf và công viên cây xanh…
Khu đảo Ngọc – vui chơi giải trí là khu vực biệt lập với các khu chức năng khác. Ở đây sẽ hình thành theo tính chất trải nghiệm thiên nhiên với các chủ đề khác nhau, khu thương mại, mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí (nhạc nước, Night club), khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Được biết, Resort Sao Mai Thanh Hóa là dự án thứ 5 của Tập đoàn Sao Mai tại Thanh Hóa đã đưa Sao Mai đang đầu tư tại Thanh Hóa vượt cả FLC.
Gần đây nhất, cuối tháng 3/2019, Tập đoàn Sao Mai và UBND huyện Triệu Sơn đã ký kết hợp đồng đầu tư Khu đô thị Minh Sơn – thị trấn Triệu Sơn có tổng vốn đầu tư ban đầu gần 500 tỷ đồng trên diện tích 45ha. Tại dự án này điểm nhấn nổi bật là đô thị công nghệ 4.0. Dự án sẽ cởi trói để vùng lõi của Đô thị mới Triệu Sơn phát triển, thay thế cho trung tâm huyện đã không còn phù hợp trong tiến trình hiện nay.
Tại Thanh Hóa, năm 2016 Tập đoàn Sao Mai cũng đã đầu tư Khu đô thị Sao Mai xã Xuân Thịnh & xã Thọ Dân huyện Triệu Sơn với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trị giá hơn 1.200 tỷ đồng, tổng diện tích 52ha. Dự án nằm cách TP.Thanh Hóa 30 km, cách sân bay Sao Vàng 7 km, có tuyến quốc lộ 47 chạy qua kết nối TP.Thanh Hóa và sân bay. Đây là dự án khu đô thị gần sân bay nhất tính đến thời điểm này.
|
Bệnh viện Quốc tế Sao Mai |
Không chỉ đầu tư Bất động sản, tại Thanh Hóa, Tập đoàn Sao Mai còn tiếp tục “dấn bước” sang lĩnh vực y tế. Cụ thể, tháng 7/2018, Sao Mai thực hiện hợp tác với các Tập đoàn của Đức để xây dựng mô hình Bệnh viện Kỹ thuật số đầu tiên tại Việt Nam (Bệnh viện Quốc tế Sao Mai). Tổng diện tích gần 4 ha, giai đoạn I, có quy mô 250 giường, vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Dự án Bệnh viện sẽ được đặt tại vị trí đắc địa bậc nhất khu vực huyện Triệu Sơn và Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa.
Theo kế hoạch, Bệnh viện có các khoa; Sản – nhi, chấn thương – chỉnh hình, tim mạch, tiêu hóa, ung thư, thần kinh – phẫu thuật thần kinh, tiết niệu và khoa xét nghiệm huyết học. Bệnh viện Quốc tế Sao Mai sẽ được xây dựng theo mô hình khách sạn bệnh viện để tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân trong và ngoài nước được thụ hưởng dịch vụ khám và điều trị bệnh kỹ thuật cao.
Tiếp theo sau Bệnh viện Quốc tế là chợ Sao Mai. Nơi đây sẽ thay thế cho chợ Đà hiện đã xuống cấp không còn phù hợp cho tiến trình hiện đại hóa tại Triệu Sơn. Chợ Sao Mai được quy hoạch sẽ trở thành trung tâm mua sắm sầm uất phục vụ cho nhu cầu giao thương hàng hóa của các cư dân lân cận kể cả khách du lịch quá cảnh sân bay Thọ Xuân.
Được biết, Tập đoàn Sao Mai có địa chỉ tại An Giang. Tổng Giám đốc là ông Lê Thanh Thuấn, sinh ra tại huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Hiện tại, Sao Mai có hơn 10.000 lao động làm việc trong 17 Cty thành viên trải rộng qua 12 tỉnh thành trong cả nước. Sắp tới, Sao Mai Group sẽ trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành với nhiều chiến lược sản xuất kinh doanh trọng yếu: BĐS, nuôi trồng & chế biến thủy sản xuất khẩu, dịch vụ du lịch, đào tạo & xuất khẩu lao động, nhà sản xuất Dầu ăn từ cá đầu tiên trên thế giới và lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Sao Mai có tham vọng phấn đấu sẽ trở thành nhà cung cấp điện mặt trời hàng đầu quốc gia. Tập đoàn Sao Mai đang có nhiều dự án ở 1 số tỉnh: Bến Tre (50 MW), Kiên Giang (250MW), Tây Ninh (700ha, 500MW), Ninh Thuận (100MW), Bình Thuận (150MW), Đắc Lắc (400 MW, diện tích 500 ha). Đây là những địa phương có nhiều lợi thế để khai thác năng lượng tái tạo hiệu quả nhất. Nếu theo chiến lược này, chỉ trong vòng vài năm tới, Sao Mai sẽ có 20.000 lao động trên toàn quốc và nước ngoài.
Trên thị trường tài chính Việt Nam, Sao Mai là trường hợp điển hình về số lần tăng vốn. 8 năm với 9 lần phát hành và phân phối thành công cổ phần ra công chúng. Sao Mai đưa 3 mã chứng khoán của các công ty thành viên lên sàn: ASM, IDI, DAT.