Luật mới có tín hiệu khả quan hơn cho doanh nghiệp bất động sản

(PLVN) -  TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM cho rằng, mặc dù trong nhiều năm qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, nhưng với những sự thay đổi trong các văn bản pháp luật trụ cột của ngành gần đây, bức tranh bất động sản đang dần có tín hiệu khả quan hơn cho doanh nghiệp…
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐH Luật TP HCM và Đoàn Luật sư Tỉnh Khánh Hoà trong khuôn khổ hội thảo.

Sáng 18/7, tại tỉnh Khánh Hoà, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trường Đại học Luật TP HCM, Hội Luật gia tỉnh Khánh Hoà, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hoà cùng Văn phòng Đại diện - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Khánh Hoà (VCCI tại Khánh Hòa) tổ chức Hội thảo “Tranh chấp bất động sản trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý mới”. Hội thảo thu hút đông đảo sự tham dự của đại diện các cơ quan chính quyền tỉnh Khánh Hoà cùng hơn 150 luật sư, đại diện doanh nghiệp tham gia.

Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND Tỉnh Khánh Hoà

Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hoà đánh giá, với sự ban hành và chuẩn bị có hiệu lực của loạt văn bản pháp luật quan trọng gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2024 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, doanh nghiệp tìm thấy nhiều cơ hội mới và cũng tháo gỡ được nhiều nút thắt trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Từ đó, kiến tạo để thị trường bất động sản tại Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hoà nói riêng dần phục hồi và có được những kết quả mới.

TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM.

Tiếp lời bà Trang, TS. Lê Trường Sơn cho rằng những quy định mới đó cần được phổ biến, hướng dẫn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và áp dụng một cách đúng đắn, đảm bảo công bằng và hiệu quả trong quá trình thực thi. Ông Sơn bày tỏ sự hoan nghênh sâu sắc đối với sự hợp tác của các đơn vị phối hợp triển khai Hội thảo đầy ý nghĩa này. Ông cũng nhấn mạnh, đây là hoạt động thể hiện tinh thần đóng góp cho xã hội, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc phổ biến pháp luật, đưa đến nhiều giải pháp quản trị pháp lý hiệu quả đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Ông Vũ Ánh Dương - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch VIAC.

Theo ông Vũ Ánh Dương - Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch VIAC thông tin thống kê của VIAC, số lượng vụ tranh chấp có liên quan tới yếu tố đất đai có chiều hướng gia tăng đột biến (chiếm tới 26,18% trên tổng số vụ tranh chấp được thụ lý tại VIAC trong năm 2023). Như vậy, với sự mở rộng này, doanh nghiệp đã có sự an tâm hơn khi lựa chọn giải quyết tranh chấp tại trọng tài, hoà giải, tận dụng triệt để những ưu thế nổi bật của các phương thức này.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo.

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đưa ra nhiều quan điểm đa chiều về thực trạng tranh chấp về bất động sản tại tỉnh Khánh Hòa. Ngoài các nguyên nhân phát sinh tranh chấp, nhiều ý kiến thảo luận tại phiên xoay quanh thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan tới bất động sản như vai trò của bên thứ 3 trong giao dịch liên quan bất động sản. Từ lâu các tranh chấp này thường được ưu tiên giải quyết tại tòa án. Tuy nhiên, với quy định mới, rõ ràng hơn, việc nới rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế như trọng tài, hoà giải... được dự đoán trở nên thuận lợi hơn. Tuy vậy, các chuyên gia nhấn mạnh thực tiễn hiện nay vẫn phải giải quyết những cách hiểu liên quan đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng không phát sinh từ hợp đồng, hay như các vấn đề liên quan đến thực thi phán quyết trọng tài có liên quan đến đất đai…

Đại biểu tham dự hội thảo nêu ý kiến

GS. TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM, Trọng tài viên VIAC cho biết, tranh chấp trong giao dịch bất động sản rất đa dạng, phát sinh theo trong nhiều loại hợp đồng như đặt cọc, mua bán, hợp tác kinh doanh..., trong đó, các tranh chấp phổ biến nhất đến từ tranh chấp về điều kiện có hiệu lực. Trong thời gian tới, một số tranh chấp bất động sản còn có chiều hướng gia tăng mạnh hơn, có thể kể tới các rủi ro liên quan đến vấn đề hình thức văn bản, công chứng và việc thuê đăng ký sẽ giảm do Bộ Luật Dân sự 2015 và Luật Đất đai 2024 đã bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết...

Đọc thêm