Mùa “thần dược” về vùng cao

(PLVN) - Bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) được xem là một trong những thủ phủ táo mèo lớn trên cả nước. Với khoảng gần 2.000ha cây táo mèo được trồng, hàng năm đến mùa thu hoạch, đây trở thành điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn cho các gia đình tại Hà Nội muốn đi chơi dịp cuối tuần.
Táo mèo là một trong những bài thuốc Đông y được nhiều người sử dụng nhờ công dụng hữu hiệu.

Mùa thu hoạch táo mèo

Chị Trịnh Bảo Thư (Cầu Giấy – Hà Nội) cùng gia đình tham quan tại cơ sở ngâm rượu táo mèo bản Nậm Nghiệp cho biết: "Theo thông tin trên các nhóm gợi ý du lịch, gia đình tôi quyết định đến đây để trực tiếp trải nghiệm hái táo mèo và mua táo mèo chính gốc về làm quà tặng bạn bè, người thân quen". Theo chị, thay vì lựa chọn những địa điểm vui chơi ngoại thành quen thuộc như Ba Vì, Sóc Sơn, du lịch hái táo mèo tại Sơn La mang đến cho gia đình chị những trải nghiệm mới lạ hơn.

Không chỉ có mùa quả, mùa hoa táo mèo (hay còn biết đến với tên gọi hoa sơn tra) nở rộ từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4 là thời điểm Nậm Nghiệp đón nhiều khách du lịch nhất. Theo anh Lò Thân Thiện – chủ homestay tại bản Nậm Nghiệp cho biết: "Thông thường, lượng khách đến đây nhiều nhất vào mùa hoa sơn tra, đẹp nhất là vào tháng 3. Hiện nay, táo mèo đang vào vụ quả để thu hoạch, khách du lịch đến đây chủ yếu là các đoàn khách gia đình tại Hà Nội và đến nhiều vào dịp cuối tuần".

Hiện tại, khi đến du lịch mùa táo mèo tại Sơn La, khách du lịch có thể có những hoạt động trải nghiệm như: cắm trại và thưởng thức đặc sản làm từ táo mèo, tham quan cơ sở sản xuất táo mèo và uống thử rượu táo mèo, tham quan các di tích lịch sử, văn hoá làng bản tại bản Nậm Nghiệp và xã Ngọc Chiến, trải nghiệm hoạt động du lịch cộng đồng,…

Nằm ở độ cao 1.800m so với mực nước biển, bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến là nơi lý tưởng để trồng táo mèo. Theo chia sẻ của người dân trong bản, đây là giống cây táo mèo được người dân bản trồng từ lâu. Cùng với những ưu đãi về thiên nhiên, cây táo mèo tại đây cho năng suất cao, hương vị quả ngọt thơm, đậm đà hơn bất cứ nơi nào trên cả nước.

Quả táo mèo khi chín sẽ không có màu hồng đậm mà chỉ phớt hồng, hướng quả đón nắng đậm màu hơn, kích thước quả cũng lớn hơn so với loại táo thường. Quả táo mèo chín kỹ có vị ngọt đậm đà, những quả gần chín có vị chát, chua, ít ngọt hơn và thường được người dân thu hoạch để ngâm rượu.

Với khách du lịch, ngoài việc thưởng thức quả táo mèo tươi ngon được hái trực tiếp từ những cây táo mèo lâu đời nhất, còn có thể thử uống rượu táo mèo được người dân bản trực tiếp ngâm. Rượu táo mèo mang hương vị ngọt, thơm lừng mùi táo pha chút chát nhẹ khiến cho hương vị lưu giữ trên đầu lưỡi người nếm. Nhờ hương vị đặc biệt ấy mà rượu táo mèo được rất nhiều vị khách mua về làm quà tặng hoặc để trong nhà thiết đãi bạn bè. Ngoài ra, khách du lịch cũng có thể thưởng thức thêm những đặc sản làm từ táo mèo được người dân trong bản chế biến và trải nghiệm tắm khoáng nóng tại các khu du lịch cộng đồng.

Hiện nay, thủ phủ táo mèo bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) đang vào vụ thu hoạch táo mèo. Theo chia sẻ từ người dân bản địa, hiện rất nhiều đơn đặt hàng từ các tỉnh lân cận, nhiều nhất là Hà Nội và các thương lái đang tận dụng để mua được những quả táo mèo tươi ngon nhất khi đang vào vụ.

Công dụng bất ngờ

Táo mèo mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, giúp điều trị các bệnh liên quan đến hệ tim mạch, tiêu mỡ máu và đặc biệt tốt đối với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, những người mắc bệnh về hệ tiêu hoá như viêm loét dạ dày được khuyến cáo nên hạn chế sử dụng táo mèo và các sản phẩm từ táo mèo. Táo mèo là một trong những bài thuốc Đông y được nhiều người sử dụng nhờ công dụng hữu hiệu.

Theo chuyên gia Đông y Nguyễn Trung Kiên, táo mèo có công dụng đặc biệt tốt với những người mắc bệnh tiêu hoá. "Táo mèo có công dụng thiên về hệ tiêu hoá, giúp làm mát đường tiêu hoá, kháng khuẩn và tăng cường khả năng miễn dịch". Chuyên gia cho biết, dùng táo mèo với liều lượng hợp lý mỗi ngày sẽ giúp giảm mỡ máu, giảm béo phì...

Trong y học cổ truyền, quả táo mèo có nhiều chất dinh dưỡng đa lượng như carbohydrate, protein, chất béo, đường tự do - monosaccharide (fructose và glucose), disaccharides (maltose và saccharose), các khoáng chất, vitamin C, axit béo có tác dụng kháng khuẩn và tốt cho hệ tim mạch.

Dù là loại "thần dược" nhưng chuyên gia cũng khuyến cáo một số đối tượng không nên sử dụng táo mèo. "Táo mèo nói chung có công dụng rất hữu hiệu với chị em phụ nữ, tuy nhiên với phụ nữ mang thai và đang cho con bú, táo mèo sẽ làm tiêu mỡ máu, giảm lipit trong cơ thể. Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, các bà mẹ cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và trẻ nhỏ. Vì vậy, nếu làm giảm lượng lipit, cơ thể sẽ bị thiếu chất và khiến phụ nữ trở nên mệt mỏi", chuyên gia cho biết. Nghiêm trọng hơn, trong táo mèo còn có nhiều chất kích thích ảnh hưởng đến thai nhi, có thể có nguy cơ dẫn đến sảy thai.

Một đối tượng được khuyến cáo không nên sử dụng táo mèo, đặc biệt là rượu táo mèo là những người đang mắc bệnh viêm loét dạ dày. Trong táo mèo có chứa một lượng axit, nếu những người mắc bệnh sử dụng sẽ làm viêm niêm mạc dạ dày, từ đó khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Nam giới thường là những người thường xuyên uống rượu táo mèo. Tuy nhiên, đối với người có nhu cầu sinh lý cao cần hạn chế sử dụng rượu táo mèo vì táo mèo sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, cấu tạo tinh trùng. Uống rượu táo mèo quá nhiều sẽ làm nam giới khó kiểm soát hoạt động tình dục và giảm ham muốn quan hệ.

Công dụng của táo mèo thích hợp dùng cho những người bị đầy bụng, đầy hơi, đặc biệt là những người ăn uống không tiêu. Dù hỗ trợ các bệnh về tiêu hoá, chuyên gia khuyến cáo người dùng không nên sử dụng táo mèo hoặc uống rượu táo mèo lúc đang đói.

Thay vì sử dụng táo mèo tươi hoặc rượu táo mèo, người dùng có thể đem táo mèo phơi khô và ngâm với trà để thưởng thức. Cách làm này vừa giúp táo mèo phát huy các công dụng hữu hiệu, vừa điều tiết được các chất kích thích có trong táo mèo. Các loại trà táo mèo cũng rất tốt cho những người cao tuổi, chị em phụ nữ muốn giảm cân, cải thiện sắc vóc.

Ngoài ra, khi sử dụng táo mèo, người dùng cần hạn chế dùng chung với các loại rau có chứa enzim phân huỷ vitamin C như cà rốt, dưa chuột vì sẽ làm giảm công dụng của táo mèo. Các loại hải sản chứa can-xi, sắt, carbon, iod và các khoáng chất, protein cũng không nên dùng chung với táo mèo bởi sẽ gây ra triệu chứng đầy bụng, buồn nôn, khó tiêu. Rượu táo mèo hay các sản phẩm táo mèo có công dụng rất tốt với cơ thể nhưng với điều kiện được sử dụng theo liều lượng hợp lý. Trong trường hợp sử dụng táo mèo như một bài thuốc điều trị bệnh trong cơ thể, người dùng cần tham khảo ý kiến từ chuyên gia và bác sĩ để có cách dùng hiệu quả hơn.