Yên Thành là một huyện đồng bằng của Nghệ An, thu nhập chính của người dân phần lớn từ làm nông nghiệp, trong đó nhiều nhất vẫn là trồng lúa. Được mệnh danh là “quê lúa” nhưng Yên Thành lại là địa phương có số lượng đối tượng chính sách lớn, nhu cầu cần sử dụng vốn chính sách luôn cao. Vì thế việc bổ sung ngân sách để nhiều đối tượng được tiếp cận luôn là trăn trở cả bộ máy chính quyền và đặc biệt là các cán bộ NHCSXH huyện và tỉnh.
Theo tinh thần của Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH huyện Yên Thành đã nhanh chóng triển khai các bước thực hiện. Xuất phát từ việc nhận thấy, một số đơn vị, các đơn vị ủy thác của NHCSXH và các địa phương có tiền nhàn rỗi, NHCSXH huyện Yên Thành đã đề xuất với NHCSXH tỉnh được huy động để tăng thêm nguồn vốn tạo điều kiện cho người nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh.
Chủ trương đúng đắn được chấp nhận, Phòng giao dịch NHCSXH Yên Thành đã đưa ra đề xuất này trong các cuộc họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện và được các thành viên nhất trí tán thành. Để bổ sung ngay cho nguồn vốn, cũng như đi đầu cho việc triển khai công tác trên, UBND huyện Yên Thành đã trích 500 triệu đồng từ ngân sách bổ sung vào nguồn vốn cho vay của NHCSXH.
Tiếp theo đó, về phía các xã và các đơn vị ủy thác cùng chung tay góp phần vốn nhỏ vào chương trình, từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 13 đơn vị ký hợp đồng quy chế phối hợp và chuyển về ngân sách 168 triệu đồng, ngoài ra có 5 đơn vị cũng vừa ký hợp đồng phối hợp, nâng tổng số tiền huy động từ ngân sách huyện và xã lên gần 700 triệu đồng.
“Hoạt động mang một ý nghĩa lớn về cả chính trị và kinh tế, thể hiện sự ủng hộ quan tâm công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Dù số tiền không lớn nhưng cũng chung bàn tay làm cho nguồn vốn dồi dào thêm, ý nghĩa về mặt chính trị xã hội là thể hiện được trách nhiệm của các đơn vị trong việc chung tay vì người nghèo như thế này” – ông Phan Hữu Trang, Giám đốc NHCSXH Yên Thành chia sẻ.
Theo ông Trang, chủ trương trên cũng gặp một số khó khăn như: nguồn ngân sách của các xã còn hạn hẹp, dù rất ủng hộ nhưng kinh phí có hạn. Chủ trương sẽ khả thi trong thời gian tới, các địa phương sẽ dự toán cả kinh phí để ủng hộ cho NHCSXH có nguồn vốn cho các hộ nghèo vay. Ngoài ra, PGD cũng thực hiện tốt việc huy động vốn theo lãi suất thị trường với số tiền hơn 31,5 tỷ đồng, trong đó, huy động qua tổ tiết kiệm vay vốn 12,7 tỷ đồng, huy động tại điểm giao dịch xã 3,5 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/5, tổng dư nợ của PGD NHCSXH Yên Thành là hơn 574 tỷ đồng, trong đó doanh số cho vay 5 tháng đầu năm hơn 79 tỷ đồng, thu nợ được 67 tỷ đồng trong tổng số 2.678 khách hàng đang dư nợ. Một số chương trình cho vay có dư nợ lớn như: hộ nghèo 124 tỷ/4515 hộ, hộ cận nghèo hơn 167 tỷ/5975 hộ, chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) hơn 127 tỷ/4581 HSSV...
Những nguồn vốn huy động được đã góp phần vào ngân sách để các hộ nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện vay vốn thoát nghèo hơn. Gia đình anh Cao Đình Đông (xóm 5, xã Trung Thành, Yên Thành) là một ví dụ. Gia đình anh được vay vốn chương trình hộ nghèo với số tiền 30 triệu đồng đã mua bò sinh sản về chăn nuôi. Hiện con bò đã sinh sản được một lứa, số tiền vay vốn đã phát huy hiệu quả và sử dụng đúng mục đích. Hay như các gia đình bà Trần Thị Diện (xã Trung Thành) vay 10 triệu mua bò từ chương trình hộ nghèo, bà Trần Thị Hồng vay 30 triệu đồng mua bò sinh sản từ chương trình hộ nghèo… đều phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, NHCSXH Yên Thành còn phối hợp với UBMTTQ Việt Nam huyện Yên Thành thực hiện chương trình “Ngân hàng bò”, theo đó mỗi năm sẽ bình xét một số hộ nghèo, gửi đi học lớp ngắn hạn về đào tạo chăn nuôi bò. UBMTTQ Việt Nam huyện sẽ hỗ trợ một hộ 8 triệu đồng, NHCSXH sẽ cho vay thêm từ 25-30 triệu đồng mỗi hộ để mua một con bò sinh sản. Tính từ năm 2011 đến nay, 3.800 con bò đã được trao đến tay các hộ nghèo của địa phương.
Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Đây là một chủ trương mới, được sự đồng tình ủng hộ của cả bộ máy chính trị, có ý nghĩa hết sức lớn lần đầu tiên được thực hiện tại Nghệ An. Đây cũng là một cách làm hay cần nhân rộng trong các địa phương khác để nhiều người nghèo được vay vốn làm kinh tế phấn đấu thoát nghèo trong thời gian sớm nhất…”.