Qua thực tế ở một số địa phương có nhiều ý kiến về những vướng mắc trong quy định của Luật Đất đai và trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng đã có một số vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, trong đó có một số vấn đề đã được sửa trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nhưng có những vấn đề cốt lõi được xác định phải sửa trong Luật Đất đai. Ông Thanh đề nghị làm rõ hơn về việc có kịp để trình dự án luật này hay không.
Giải trình tại Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, trong nhiệm kỳ vừa qua, ông đã một lần báo cáo để đưa dự án Luật Đất đai vào chương trình, trong khi chương trình ban đầu chưa đưa vào. Tuy nhiên, sau đó, theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xin rút ra.
“Hầu như tất cả các lần báo cáo về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu Quốc hội phát biểu rất gay gắt. Nhiệm kỳ này, chắc chắn không lui được nữa bởi Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 19, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã có chương trình làm việc cụ thể để nghe tổng kết Luật Đất đai. Hiện, Chính phủ đang triển khai làm song song nhiều việc. Tuy nhiên, để thực hiện Nghị quyết và chương trình của Trung ương, chương trình của Quốc hội và để xử lý thực tế thì kỳ này là khả thi và làm được bởi lẽ chúng ta không bắt đầu từ số 0, đã có tổng kết, đã có nhóm họp, đã có thảo luận...”, Bộ trưởng Long cho hay.
Về một số vấn đề phải xử lý, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, kỳ này, cách thức các bộ, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành là cùng lúc nghiên cứu những vấn đề đúc rút ra được để đưa vào báo cáo tổng kết để trình Ban Chấp hành Trung ương và đồng thời để xây dựng dự án luật này. “Tôi nghĩ cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 kịp trình dự án luật này”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.