Liều như “cò” đất Đà Nẵng
Trước khi dư luận Đà Nẵng xôn xao với công văn giả có nội dung nêu việc Chủ tịch TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phê duyệt chủ trương xây dựng cầu Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) được phát tán trên mạng xã hội để “đẩy” giá đất tại khu vực trên lên cao thì tại Khu tái định cư Hòa Liên (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cũng đã diễn ra tình trạng tương tự khi một nhóm “cò” đất “cá mập” lợi dụng văn bản của UBND TP kết luận các thông tin sai phạm tại 2 nhà máy thép đóng trên địa bàn là Dana Úc và Dana Ý đã tung tin, 2 nhà máy này sẽ được di dời để tạo nên “cơn sốt” đất tại đây. Sự việc đã khiến nhiều khách hàng và nhà đầu tư “sập hố”, trong đó có không ít người dân nghèo tại địa phương.
Ông Trần Anh Quốc Cường - Ủy viên Hội Môi giới BĐS Việt Nam - nhận định, hiện nay cơ chế quản lý thị trường BĐS và các quy định liên quan về xử lý hành vi tung tin ảo của giới nhà đất vẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu ban hành các quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế các sự việc tương tự.
Với khách hàng và nhà đầu tư, ông Cường khuyến nghị, trong hoàn cảnh thị trường đang thiếu sự minh bạch về thông tin như hiện nay, khi quyết định “xuống tiền”, người mua cần tìm hiểu kỹ càng về tính pháp lý, các văn bản quy hoạch liên quan của các dự án BĐS tại cơ quan chức năng, cũng như uy tín của đơn vị phân phối hoặc chủ đầu tư. Tránh trường hợp “chạy” theo tin đồn để mắc bẫy “cò” đất.
Loạt tiêu cực tại Quảng Nam
Nói thêm góc nhìn của mình, ông Cường cho rằng, cũng chính vì nhu cầu mua, đầu tư, đầu cơ BĐS TP Đà Nẵng cao đã lan sang Quảng Nam khiến thị trường BĐS tại đây cũng ghi nhận nhiều tiêu cực. Rất nhiều dự án làm ẩu, bán đất khi chưa hoàn tất mọi thủ tục pháp lý.
Đặc biệt, tình trạng “bán đất trên giấy” khi chưa được cơ quan có thẩm quyền định giá tiền sử dụng đất dẫn đến tình trạng chủ đầu tư và sàn giao dịch “bẻ kèo”, trở mặt với nhau.
Nhiều hệ lụy xảy ra, nhiều tranh chấp dai dẳng ảnh hưởng đến môi trường kinh tế chung mà vùng Nam TP Đà Nẵng (quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn thuộc TP Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn thuộc tỉnh Quảng Nam) là một minh chứng rõ nét.
Theo thống kê của cơ quan quản lý đất đai thị xã Điện Bàn, chỉ tính riêng vùng khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã có đến hơn 65 dự án về BĐS; ngoài vùng này còn có hàng chục dự án khác. Ông Đinh Phúc Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn ngán ngẩm: “Con số là vậy, nhưng tính riêng ở phường Điện Dương, quá nửa là dự án “treo”, chậm triển khai. Người dân khổ, nhà cửa hư hỏng nhưng không thể sửa chữa; còn chính quyền cũng rất khó quản lý”.
Hệ lụy tạo ra không chỉ là làm phức tạp thêm công tác quản lý của các cơ quan chức năng mà còn khiến thị trường BĐS hỗn loạn. Một chuyên gia BĐS tại TP Đà Nẵng phân tích thêm, khi bán đất trên giấy, bán đất khi chưa có quy định về giá của cơ quan thẩm quyền đã xảy ra tình trạng chủ dự án “bẻ kèo” với các sàn giao dịch BĐS. Người thiệt cuối cùng vẫn là người mua nên cần phải tỉnh táo.
Tương tự, ông Trần Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc VN Đà Thành Group, chủ đầu tư nhiều dự án BĐS Nam TP Đà Nẵng xác nhận, lâu nay có tình trạng nhiều chủ đầu tư “ôm” dự án nhưng lại yếu về năng lực nên xảy ra tình trạng dự án “treo” hoặc lấy tiền dự án này “bù” dự án kia. Thực tế, nhiều vùng ven biển Quảng Nam chưa có giá đất. Mới đây tỉnh Quảng Nam buộc phải tạm dừng chưa công bố giá đất ở một số khu vực để yêu cầu kiểm tra.
Theo tìm hiểu của PV, mới đây nhất là chủ đầu tư dự án phân khu 1 xã Điện Dương là Công ty TNHH Hoàng Tiên đã “bẻ kèo” Công ty CP Địa ốc First Real vì những lình xình tương tự. Vị đại diện truyền thông Công ty CP Địa ốc First Real cho biết có thông tin trên.