Đề xuất quy trình rút gọn các dự án nhà ở xã hội
Thời gian vừa qua, TP HCM đã khởi công và hoàn thành hàng loạt công trình, dự án về nhà ở cho công nhân, người lao động (NLĐ), người thuộc trường hợp tái định cư. Điển hình, khởi công, ép cọc thử dự án nhà lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức (ngày 25/4); động thổ, khởi công 2 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) tại TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh và 1 dự án nhà tái định cư tại cư xá Thanh Đa (lô IV-VI), với quy mô 1.750 căn hộ ở quận Bình Thạnh (ngày 26/4); hoàn thành xây dựng 52 căn hộ tái định cư tại chung cư 251 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình (ngày 27/4)...
Giai đoạn 2 khu lưu trú công nhân tại KCX Linh Trung 2 được Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát (Công ty Thiên Phát) xây dựng trên diện tích gần 5.000m2, gồm 2 tòa nhà cao 12 tầng với 360 căn hộ. Ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Thiên Phát cam kết các căn hộ được xây dựng đảm bảo chất lượng, thông thoáng và được cho thuê với giá chỉ ngang mặt bằng chung của nhà trọ.
Cũng trong tháng 4/2022, TP Thủ Đức có thêm 1 dự án NƠXH được khởi công xây dựng tại phường Long Trường với 600 căn hộ. Như vậy, chỉ riêng tại TP Thủ Đức đã có 2 dự án NƠXH, 1 dự án khu lưu trú cho công nhân được khởi công và triển khai xây dựng trong dịp 30/4 năm nay. Các dự án trên dự kiến năm 2024 sẽ đưa ra thị trường khoảng 2.000 căn hộ cho NLĐ.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, qua tổng hợp nhu cầu NƠXH của các đơn vị công tác trên địa bàn TP Thủ Đức, đến nay ghi nhận có gần 5.600 nhu cầu mua, thuê mua NƠXH. UBND TP Thủ Đức đã có văn bản xin chủ trương quy hoạch 3 vị trí làm khu lưu trú công nhân tại Khu công nghệ cao TP HCM với quy mô khoảng 90ha, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hơn 80.000 người; đồng thời tiếp tục rà soát quỹ đất công, quỹ đất quy hoạch chưa khả thi để đầu tư xây dựng NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân.
Tương tự, quận 7 đề xuất TP HCM phê duyệt 9 khu đất để xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân, như khu đất tại số 4 Phạm Hữu Lầu rộng hơn 15.400m2; khu đất tại 261A Lâm Văn Bền rộng hơn 6.400m2; khu đất trên đường Nguyễn Văn Quỳ rộng gần 29.700m2… Trong các khu đất trên, hiện quận 7 đang xây dựng 3 đề án chỉnh trang đô thị khu vực sông Ông Lớn (quy mô khoảng 20,2ha), khu rạch Bần Đôn (quy mô khoảng 27ha) và ao Song Tân (quy mô khoảng 24ha) để xây NƠXH, thay thế chỗ ở cho 1.300 hộ ven và trên các tuyến kênh rạch này. UBND quận 7 đã khảo sát, lập điều chỉnh quy hoạch, mời gọi nhà đầu tư và đang hoàn thiện đề án để trình TP HCM xin chủ trương thực hiện.
Trên toàn TP HCM, với quyết tâm cải thiện điều kiện sống cho người dân, UBND TP HCM đã có kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, dự kiến tăng ít nhất 50 triệu m2 diện tích sàn nhà ở. Trong đó, NƠXH tăng khoảng 2,5 triệu m2. Đặc biệt, TP HCM phấn đấu diện tích NƠXH cho thuê đạt tối thiểu 500.000m2 sàn (chiếm 20% diện tích NƠXH). Riêng năm 2022, NƠXH tăng 46.300m2 sàn xây dựng với nhu cầu đầu tư 698 tỷ đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Huỳnh Thanh Khiết, các dự án trên địa bàn TP HCM đáp ứng trên 35.000 căn hộ NƠXH từ năm 2021-2025. TP HCM cũng rà soát có 33 dự án có diện tích đất trên 10ha (tổng diện tích trên 105ha, khoảng 70.000 căn hộ) phải dành 20% quỹ đất xây dựng NƠXH. Sở Xây dựng TP HCM trình UBND TP HCM các quy trình rút gọn, đẩy nhanh thời gian thực hiện các dự án NƠXH xuống dưới 6 tháng để các chủ đầu tư triển khai thực hiện (theo quy trình bình thường thì trên 1 năm).
|
Nhu cầu nhà ở của công nhân hiện nay rất lớn. |
Cần cơ chế, chính sách riêng cho các dự án nhà ở công nhân
Trong khi đó, tại TP Hà Nội hiện có khoảng 326.000 doanh nghiệp với trên 2,5 triệu lao động; trong đó có 9 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp, 165.000 lao động, phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 60%). Tuy nhiên, hiện nay mới có 3 khu công nghiệp: Thạch Thất -Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, phần lớn công nhân lao động phải đi thuê và sống trong các phòng trọ chật chội, thiếu thốn các điều kiện, mức giá thuê trọ cao đã tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội...
Theo ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, với tốc độ phát triển kinh tế của Thủ đô hiện nay, số lượng nhu cầu về nhà ở của lao động lớn, thực tế nhà ở chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Trong hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên thu nhập của người lao động bị giảm sút, vấn đề nhà ở cho công nhân lao động càng khó khăn hơn.
Trao đổi về những bất cập nhà cho ở công nhân, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, hiện nay vấn đề nhà ở cho công nhân đang là vấn đề khó khăn nhất cần giải quyết. Việc phát triển thiết chế công đoàn gồm tổ hợp công trình phục vụ người lao động, trong đó có nhà ở và các công trình dịch vụ phúc lợi công đoàn như siêu thị, nhà trẻ, nhà văn hóa đa năng... trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, việc triển khai còn chậm do thiếu quỹ đất hoặc vướng mắc nhiều thủ tục.
Mặt khác, nhiều công nhân chưa tiếp cận được NƠXH, bởi tiêu chí để ở NƠXH rất khắt khe, mức thu nhập của công nhân còn thấp nên không thể thuê, mua được nhà. Trong gần 2 năm diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Điều này cho thấy người lao động vẫn chưa an cư, làm ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của người lao động và tác động đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lại cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể đối với nhà đầu tư, các nhóm đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở; nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định áp dụng riêng cho các dự án nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
"Đối với Hà Nội, trong Chương trình phát triển nhà ở lần này có đặt ra yêu cầu chú trọng nhà ở cho công nhân. Điều chỉnh cục bộ lại các khu công nghiệp để dành quỹ đất thích hợp xây dựng nhà cho công nhân thuê. Đây là một ưu điểm nhưng theo tôi vẫn cần tăng cường thêm ưu đãi về nguồn vốn; đặc biệt cần huy động vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp", TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.