Phát triển nhà ở xã hội: Cần có cái nhìn toàn diện

(PLVN) - Câu chuyện về nhà ở xã hội (NOXH) không phải là mới nhưng cho đến bây giờ nó vẫn là chủ đề hết sức “nóng” cả trong dư luận lẫn nghị trường Quốc hội. Những vấn đề bất cập, tồn tại trong quá trình phát triển NOXH đã được dư luận bóc tách, các đại biểu quốc hội mổ xẻ để dần khắc phục và phát triển đúng ý nghĩa hơn, góp phần phát triển thị trường bất động sản được minh bạch, bền vững hơn.
Nhu cầu về NOXH hiện nay rất lớn, nhất là tại các đô thị lớn như TP.HCM

Chỉ đạt 41% kế hoạch đề ra

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2022, cả nước đã hoàn thành 307 dự án NOXH khu vực đô thị với khoảng 157.000 căn, chỉ đạt 41,7% kế hoạch. Hiện cả nước đang triển khai thực hiện 418 dự án với khoảng 432.000 căn. Trong đó, NOXH dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 126 dự án với khoảng 62.000 căn hộ và đang triển khai 127 dự án khoảng 160.000 căn hộ. Đối với NOXH cho người có thu nhập thấp đô thị, cả nước đã hoàn thành 181 dự án với khoảng 94.000 căn hộ và đang triển khai 291 dự án với khoảng 271.000 căn hộ.

Là địa phương có quy mô dân số lớn nhất cả nước nhưng suốt chặng đường hơn 10 năm qua, TP Hồ Chí Minh chỉ hoàn thành đưa vào sử dụng 23 dự án NOXH với hơn 18.000 căn, đạt 75% kế hoạch. Dự kiến, Thành phố sẽ triển khai đầu tư xây dựng 25 dự án NOXH giai đoạn 2021-2025 với tổng số căn hộ là khoảng 30.000 căn.

Điều đáng lo ngại đó chính là trong Báo cáo tổng kết năm 2020, 2021, 2022 của Bộ Xây dựng đều cho thấy, công tác phát triển NOXH của cả nước tiếp tục sụt giảm mạnh, chỉ hoàn thành 19 dự án, đưa vào sử dụng với hơn 4.700 căn. Trong đó, năm 2020 chỉ hoàn thành 8 dự án với 1.600 căn, năm 2021 chỉ hoàn thành 5 dự án với 1.700 căn và năm 2022 cũng chỉ hoàn thành được 6 dự án với 1.300 căn.

Nhìn chung, kết quả phát triển NOXH chưa đạt kế hoạch đã đề ra, chưa đáp ứng kịp nhu cầu nhà ở rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư.

Nhu cầu về NOXH hiện nay rất lớn, nhất là tại các đô thị lớn như TP.HCM

Mới đây, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 phê duyệt “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong đó đặt ra mục tiêu phát triển 428.000 căn NOXH trong giai đoạn 2021-2025 và 572.000 căn NOXH trong giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (đã hết ½ kế hoạch), kết quả đạt được còn rất khiêm tốn.

Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến ngày 18/5/2023, cả nước mới hoàn thành 41 dự án NOXH khu vực đô thị với khoảng 19.500 căn, chỉ đạt 4,55% kế hoạch của giai đoạn 2021-2025 và đang triển khai thực hiện 294 dự án với khoảng 288.500 căn. Do vậy, để đạt được mục tiêu đề ra thì cần rất nhiều chính sách quyết liệt, đồng bộ.

Cần khuyến khích nguồn lực xã hội để sớm về đích

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoRea) thì để đạt được mục tiêu phát triển 428.000 căn hộ NOXH vào năm 2025 thì vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung nỗ lực xây dựng, hoàn thiện chính sách về NOXH của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Qua đó, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng NOXH để hỗ trợ cho người mua, thuê mua NOXH và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hoá từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển NOXH.

HoRea cho rằng, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về “Phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp” là chưa toàn diện và đúng với tình hình thực tế hiện nay. Bởi loại hình này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ vì đa số công nhân, người lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ của các thành phần kinh tế nằm ngoài khu công nghiệp, điển hình là Công ty Giày Pou Yuen tại TP Hồ Chí Minh có quy mô rất lớn, có khi lên tới 80.000 công nhân. Do đó, cần thêm vào loại hình nhà lưu trú công nhân nằm ngoài khu công nghiệp.

Với quy mô dân số khoảng 13 triệu người thì dù muốn hay không thì TP Hồ Chí Minh vẫn phải bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có vấn đề nhà ở cho toàn bộ dân số bao gồm người nhập cư, công nhân nhập cư. Hiện Thành phố có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất với khoảng 300.000 công nhân, lao động, chưa bao gồm nhiều doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp (với lực lượng công nhân, lao động lên tới hàng triệu người) nên nhu cầu về nhà ở, nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp đang là vấn đề hết sức bức thiết.

Theo thống kê, Thành phố hiện có khoảng 60.000 khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư kinh doanh với khoảng 560.000 phòng trọ cho thuê, giải quyết được chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân, lao động (chưa bao gồm các hộ gia đình dành một vài phòng cho thuê). Hiện khoảng 60% người lao động chỉ có nhu cầu thuê ở trong thời gian 10-15 năm để làm việc tại Thành phố, có tích lũy chút vốn rồi sau đó trở về quê, đã đặt ra yêu cầu cần phải phát triển nhiều NOXH cho thuê trong những năm sắp tới.

Thế nhưng, Luật Nhà ở 2014 và Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa quy định chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở về tín dụng, về thuế đối với các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở. Trong khi đó, thời gian qua, các chủ nhà trọ đã đóng góp rất lớn trong việc đáp ứng chỗ ở thuê cho hàng triệu công nhân, lao động với giá thuê phòng trọ chỉ trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng, là mức giá thuê nhà thấp nhất hiện nay…

Do vậy, theo HoRea, rất cần thiết bổ sung đối tượng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng các khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở được Nhà nước hỗ trợ cải thiện nhà ở bằng các cơ chế chính sách ưu đãi.

Bên cạnh đó, HoRea cũng cho rằng, quy định pháp luật hiện hành chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng các khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở, mà chưa cho phép doanh nghiệp bất động sản thực hiện các dự án khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở. Mà nếu cho phép doanh nghiệp được tham gia thì đảm bảo chất lượng xây dựng khu nhà trọ và các tiện ích, dịch vụ phục vụ công nhân, người lao động tốt hơn.

Do bất cập đó, mà thực tế trong thời gian qua, một số doanh nghiệp kinh doanh nhà trọ phải núp dưới danh nghĩa cá nhân người chủ doanh nghiệp để xây nhà trọ cho thuê. Điển hình là khu nhà trọ gồm 2 tòa nhà cao 5 tầng rất khang trang với gần 300 phòng trọ, có giá thuê khoảng 1,5 triệu đồng/tháng tại phường An Lạc, quận Bình Tân. Thực chất, khu nhà trọ này do Công ty TNHH Lê Thành đầu tư xây dựng, kinh doanh và trực tiếp quản lý vận hành nhưng phải núp dưới danh nghĩa cá nhân. Dù đầu tư xây dựng bài bản nhưng họ lại không được hưởng bất cứ chính sách ưu đãi nào.

Do vậy, rất cần thiết bổ sung cho phép các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu nhà trọ cho công nhân… Việc này sẽ khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư NOXH, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, huy động được nguồn lực xã hội một cách hiệu quả nhất, tránh phụ thuộc vào những chính sách từ nhà nước, trong khi nguồn lực của nhà nước còn nhiều khó khăn.

Ngoài ra, HoRea cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan tới đối tượng được thụ hưởng NOXH hay như các chính sách về quy hoạch đất đai của các địa phương. Đặc biệt HoRea cho rằng, cần phải đưa vào dự thảo để tăng vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Theo đó, HoRea đề nghị cần quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nghĩa vụ nộp thêm vào ngân sách nhà nước một khoản tiền bằng 20% tiền sử dụng đất của dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để phát triển NOXH của địa phương…

Đọc thêm